Những người ở ngoài bắt đầu vào lớp. Bây giờ tôi mới có dịp để ý từng
người.
Có một sự khác biệt dễ nhận ra ngay khi tôi nhìn họ và so sánh với các bạn
tôi ngày xưa. Ngày xưa, dù ban giám đốc không bắt buộc nhưng hầu hết
mọi người đều mặc áo trắng, có vài chị gan lắm cũng chỉ mặc áo dài màu
nhạt. Còn ở lớp này, học sinh mặc đủ màu, đủ kiểu. Tôi đếm được dưới
mười chị mặc áo dài trắng, còn lại thì mặc áo bông hoa hoặc màu rực rỡ.
Con trai thì phần đông mặc quần xòe rộng, áo sơ-mi bó sát vào người,
tưởng chừng như cả hàng nút sắp bật tung ra. Họ mặc cả áo màu đen hoặc
màu vàng như con gái. Có lẽ nhà trường quá dễ dãi chăng? Không hẳn vậy.
Ngày xưa ông giám thị vẫn thường rầy la những học sinh ăn mặc không
đứng đắn kia mà! Hay vì học trò quá cứng đầu? Tôi đầu hàng trước ý nghĩ
đó. Tôi đã quá già rồi chăng? Bốn năm đi khắp cùng gần hết đất nước, ít
khi tôi được về thành phố, tôi biết gì về những người bằng tuổi em tôi? Tôi
sống nhiều trong rừng núi, tôi có theo kịp sự tiến bộ của mọi người? Có lẽ
Đồng nói đúng. Tôi và những bạn trẻ này thuộc về hai “thế hệ” riêng biệt.
Mọi người đã ngồi vào chỗ. Tiếng lào xào vẫn chưa dứt. Vài người còn tiếc
câu chuyện dang dỡ, cố nói với nhau và cười ngặt nghẽo. Một nữ sinh ăn
nốt trái cóc vàng tươi rồi liệng que cây xuống đất, thản nhiên. Một cậu, vừa
xếp xong chiếc máy bay bằng giấy, chu môi phóng qua phía nữ sinh. Một
cô bị máy bay mổ trúng, la lên, rồi cả hai phía cùng cười sằng sặc. Tôi nhìn
Đồng. Đồng mỉm cười, như muốn ngụ ý nói: “Anh thấy chưa, lớp này quái
đản lắm”, và nhìn ra phía cửa lớp, Đồng nói:
- Giáo sư vào.