không để cho mình bị lăng nhục? Và không một lần nào em có ý định hỏi
cái mặt nạ về tên, họ, nghề nghiệp của nó... Cả tự do cũng như chứng cứ
ngoại phạm của cái mặt nạ lu mờ đi trước cách xử sự của em... Nếu có
thượng đế thì thượng đế hãy làm cho em thành người đi săn mặt nạ... Dù
sao, anh đã bị em bắn trúng thương...
Trên con đường nhỏ gần lối đi sau, có ai gọi anh. Con gái viên quản lý.
Nó đòi iô-iô. Anh suýt trả lời nó, nhưng tình trạng đó chỉ tồn tại trong giây
lát, rồi anh khiếp sợ ngẩng đầu lên, gần như bỏ chạy. Giao hẹn với con bé
không phải là anh, mà là cái mặt nạ. Gắng gượng tự kìm nén, hốt hoảng,
anh làm điệu bộ giải thích rằng anh không hiểu đây là chuyện gì, - không
còn cách nào khác, cần tỏ cho con bé thấy là anh nghĩ rằng nó lầm lẫn.
Nhưng con bé không để ý gì đến màn kịch anh trình diễn, mà cứ nhắc đi
nhắc lại đòi hỏi của nó: iô-iô. Có lẽ nó nghĩ một cách đơn sơ rằng “mặt nạ”
và “băng cuốn” là anh em thì giao hẹn với cái này đương nhiên là có giá trị
cả đối với cái kia chăng? Không, cách giải thích có sức cám dỗ đó bị đập
tan bởi chính lời con bé:
- Đừng lo... Chúng ta chơi trò giữ bí mật mà...
Chẳng lẽ ngay từ đầu nó đã biết tỏng mưu mô của anh chăng? Làm cách
nào nó biết được? Anh phạm sai lầm ở chỗ nào? Có lẽ nó nhìn qua khe cửa
và thấy anh đeo mặt nạ chăng?
Con bé lắc đầu ngờ vực, không ngớt nhắc đi nhắc lại rằng nó không hiểu
anh vờ vịt thế để làm gì. Hẳn là cái mặt nạ của anh không có khả năng đánh
lừa ngay cả mắt của một con bé ngây dại như thế... Có lẽ trái lại, chính vì
con bé chậm phát triển về trí tuệ nên nó có thể nhìn thấu ruột gan anh. Cũng
như thể chiếc mặt nạ của anh sẽ không đánh lừa nổi con chó. Trực giác toàn
vẹn thường sắc sảo hơn cái nhìn phân tích của người lớn. Nhưng, cố nhiên,
cái mặt nạ đã đánh lừa được ngay cả em, người ở liền ngay bên cạnh, thì
không thể mắc khuyết điểm như thế.