Một đêm để nhìn lại cả một chặng đường chiến dịch, nhìn lại chính mình,
suy nghĩ về vai trò của mình trong chức vụ mới, mà tuổi đời, tuổi quân còn
quá non nớt về mọi mặt. Bên cánh võng, một đêm giữa rừng cùng anh em
trong đơn vị pháo 37, với tách trà nóng và những phong lương khô tiết
kiệm được trong đợt truy quét, hình ảnh những gương mặt khi còn ở Đức
Cơ, cứ hiện về trong từng câu chuyện, nhiều anh em đã nằm lại trên mọi
nẻo đường chiến dịch… tuổi mười tám, đôi mươi đã nằm trong lòng đất
mẹ… những người con mãi không trở về, những sinh viên sẽ không còn trở
lại trường Đại học, những ước mơ cháy bỏng, những cuộc tình tuyệt đẹp đã
không còn được thăng hoa trên cõi đời… Chiến tranh đi qua chỉ còn lại nỗi
đau trong lòng mỗi con người.
Một anh lính pháo nào đó hát khe khẽ bài hát “Lá đỏ” mà nhạc sĩ Hoàng
Hiệp phổ từ thơ của Nguyễn Đình Thi… khi còn ngồi trên ghế nhà trường,
tưởng rằng chiến tranh chỉ còn lại trong kí ức… những vần thơ đẹp về một
thời đạn bom, một thời lửa cháy, ngỡ rằng đã lùi xa vào dĩ vãng, và tồn tại
trong tâm thức của những người lính đi qua trên mọi nẻo đường Trường
Sơn.
Nhưng không phải như vậy… hôm nay đây, cũng giống như rừng Trường
Sơn đại ngàn, giữa mùa trở gió năm nào, rừng khộp mùa khô Campuchia
gió vẫn ào ạt thổi… hàng ngàn, hàng vạn vô số kể, những chiếc lá trút
xuống đỏ rực trời. Vẫn còn đó những đoàn quân điệp điệp trùng trùng hối
hả ra trận, bước chân đi mạnh mẽ rung chuyển cả núi rừng, bụi đỏ bay mờ
mịt nhòa trong trời lửa mùa khô… đâu đó vùng Konhek, anh em e94 và cả
f309 đang phải chịu đựng, giành giật sự sống với khí hậu khắc nghiệt của
vùng Đông bắc… Một quang cảnh, một không khí thật hào hùng và kì vĩ
chẳng khác năm xưa trên đường Trường Sơn.
Những thế hệ chiến sĩ mới sau chiến tranh, của các tỉnh duyên hải miền
Trung, cùng với những anh em đất Hà thành, có mặt trên cánh quân Đông
bắc này, cũng ra trận mang theo nỗi nhớ quê hương và tuổi trẻ của họ.