chân tay múa rối cả lên như người điên dại.
Nhị Lang hỏi vội lên rằng:
- Vậy còn tên họ cừu nhân là gì, sư phụ chưa cho tôi biết?
Đổng Khánh Đăng lại trợn mắt lên nói rằng:
- Trịnh Châu Tiêu Thất...
Nói tới đó thì Khánh Đăng nấc lên một tiếng rồi lìm lịm tắt hơi không thở.
Trần Nhị Lang không biết Trịnh Châu Tiêu Thất song cũng nhớ chặt bốn
chữ đó vào lòng, đoạn rồi đem thi thể của Khánh Đăng thuê người mua sắm
áo quan cho đi mai táng.
Công việc mai táng xong rồi, Nhị Lang mở tráp của Khánh Đăng ra coi,
thấy trong có mấy quyển sách nát toàn là dạy về pháp thuật rất hay. Nhị
Lang xem thấy, vui mừng vô hạn, từ đó bèn đóng cửa ở nhà, tĩnh tâm theo
sách luyện tập, nửa năm không bước ra ngoài.
Sau khi thuộc hết các món phù phép, chàng quên bẳng đi những lời Khánh
Đăng đã dặn, bèn lập tâm thí nghiệm pháp thuật để sẽ thi hành. Một hôm
Nhị Lang ngồi trong nhà kín, đầu bỏ xỏa tóc tay cầm thanh bảo kiếm, chân
đạp Thiên cương, vẽ bùa bắt quyết làm suốt đêm để thử. Đến sáng ngày ra,
chàng đi ra ngoài dò xem tin tức thì thấy nhân dân trong thành đều nhao
nhao kháo nhau thuật những câu chuyện ly kỳ xảy ra đêm trước.
Có một lúc chàng đi tới một ngôi hàng nước kia, vào ngồi uống nước, chợt
thấy trong đó cũng có hai người đương ngồi nói chuyện với nhau.
Nhị Lang lắng tai nghe, thấy một người nọ nói:
- Quái lạ, anh tưởng Lưu tiên sinh bị chết tối hôm qua thì còn trời đất nào
nữa! Ông ta là một tay tấm thân trung trực có tiếng ở đất Lật Dương xưa
nay, rất là ghét bỏ những tụi gian tham... Vậy mà hôm qua bỗng dưng bạo
bệnh chết ngay, thực là kỳ quái! Nghe nói ông ta đi ngủ vẫn còn như
thường, sau kêu nhức đầu một lúc rồi thì phát ra điên cuồng, cắn lưỡi tự tử.
Thế là trước sau chỉ trong độ nửa trống canh, mà chết ngay lập tức không
sao cứu gỡ cho được...
Một người kia gật gật mà rằng:
- Thấy nói ông ta nằm xuống rồi, thì người sưng trướng hẳn lên. Hay là có
đứa nào phản trắc gì cũng nên... Nếu mình mà tóm được những đứa ấy, thì