Danh tiếng một võ sĩ cũng phụ thuộc vào những giai thoại như thế này.
Nhưng trận Sekiga Hara kết thúc mà Musashi vẫn chỉ là một chàng
thanh niên vô danh vì quân miền Tây đại bại trong trận phân tranh thiên hạ
này. Sau đó Musashi tiếp tục lưu lạc khắp nơi, vậy thì lấy gì làm sinh kế?
Đương thời, thói thường của các tay kiếm giang hồ hay bọn Shugyosha nay
đây mai đó để trau dồi võ nghệ là tìm một ngôi chùa nào đó trú chân qua
đêm. Có khi lại gõ cửa những anh trưởng thôn hâm mộ binh pháp võ nghệ
ở nơi quê mùa nào đó hoặc viếng thăm những nhà phú nông để nhận tiền lộ
phí. Nhưng kỳ lạ là Musashi không hề túng thiếu tiền bạc bao giờ. Trong
tập bút ký “Tanji Houkin Hikki” kể trên có đoạn đặc biệt như sau:
- Musashi một đời có “phúc lực”, chẳng bao giờ túng thiếu tiền bạc.
Chuyện Musashi giỏi kiểm soát tiền bạc trở nên nổi tiếng vào những
năm cuối đời. Sau khi thành danh thì trong nhà thường treo mấy túi vải
đựng tiền trên trần nhà. Khi có chuyện cần thì “Lấy túi số mấy số mấy
xuống”, dùng sào tre khều xuống. Từ quan niệm lý tài quá mức kỹ lưỡng,
cẩn thận như thế này mà xét, trong khi đó tinh thần lại như loài dã thú, dám
nhảy từ trên xuống vực đầy gai nhọn thì có thể thấy Musashi không phải là
kiểu người vô lại phóng túng như những phường kiếm khách giang hồ
khác.
Nhưng đây không phải là keo kiệt. Vào những năm sau có đệ tử tá
túc trong nhà trông nom mọi việc. Khi đệ tử có chuyện cần xin phép đi đâu
xa thì Musashi luôn hỏi:
- Con có dụng ý gì chưa?
Dụng ý ở đây tức là tiền bạc.
- Nếu chưa có thì để ta cho. Phàm đi bất cứ đâu mà không một đồng
dính túi thì cũng khó. Nào, hạ túi số mấy số mấy xuống.
Còn đây là một câu chuyện thời còn phiêu bạt giang hồ.
Một ngày mùa hạ, Musashi đến Tomono Tsu xứ Bingo trú lại dinh
thự của trưởng thôn theo lời mời khẩn khoản. Cái sinh nhai của Musashi
cũng hình thành từ những lần thăm viếng những nhà giàu có như thế này.
Về phía trưởng thôn thì cũng thấy an tâm hơn về mặt phòng vệ khi có một
Shugyosha đến trú chân. Một hôm Musashi thấy trong nhà tự dưng ồn ào