Lời giới thiệu
K
iếm sống
là phần hai trong tác phẩm bộ ba tự thuật
miêu tả thời niên thiếu của cậu bé Alyosha Peskov, tức Gorky, từ năm 1878
đến năm 1884. Trong phần đầu, M. Gorky đã kết thúc Thời thơ ấu của mình
bằng những dòng chua chát:
“Sau khi chôn cất mẹ tôi được vài ngày, ông ngoại bảo tôi:
- Này Leksei, mày không phải là cái mề đay, mày không thể lủng lẳng
mãi trên cổ tao, mày hãy đi ra đời mà kiếm sống…
Và thế là tôi bước vào đời.”
Mới mười tuổi đầu, cậu bé mồ côi Alyosha đã bắt đầu ở với người đời,
tìm hiểu cuộc sống và đấu tranh để tìm ra lối thoát cho mình. Giai đoạn này
đã hình thành mối quan hệ mới của Alyosha với con người và thế giới xung
quanh. Bước vào đời để kiếm sống, Alyosha luôn va chạm với sự hèn hạ, tồi
tệ của bọn “tiểu thị dân”, những kẻ luôn tự cho mình là “ưu việt nhất thành
phố”, họ tưởng rằng họ “biết những phép cư xử đúng đắn nhất và dựa trên
những phép tắc mù mờ đối với tôi đó mà kết tội mọi người một cách tàn
nhẫn, không thương tiếc”. Những kẻ này thường có thái độ ganh tị, ghen
ghét với điều tốt đẹp ở những người mà họ không sao hiểu nổi. Để biện bạch
cho cuộc sống nhỏ nhen và nghèo nàn, khiến nó tăng thêm cái vẻ quan trọng
bề ngoài, họ, giống như ông lão Kashmirin keo kiệt, hung dữ hay bà già
Matryona độc ác, ích kỉ, luôn luôn lôi kéo Chúa vào những việc tẹp nhẹp
buồn tẻ của mình, biến Chúa thành một sức mạnh trừng phạt mù quáng để
bảo vệ cho tội lỗi và lợi ích cá nhân…