Đồng thời với tai họa này, ông ấy cãi nhau với đồng nghiệp ở “Sweetmilk
Corporation”. Ông ấy bỏ việc để rồi suy sụp trong căn hộ của mình. Linh
Mỹ mang lại cho ông ấy niềm tin vào tình người, mất cô ấy khiến ông ấy lại
rơi vào tình trạng ghét con người.
- Bác ấy đi châu Phi để quên Linh Mỹ?
- Có thể thế. Dù thế nào thì ông ấy cũng rất muốn hàn gắn vết thương bằng
cách cống hiến nhiệt huyết cho sự nghiệp sinh học của mình. Chắc ông ấy
đã tìm thấy một đề tài nghiên cứu thú vị khác. Tôi không biết chính xác,
nhưng không phải là vi khuẩn nữa. Ông ấy đến châu Phi có thể là vì ở đó,
đề tài dễ xử lý hơn. Ông ấy gửi cho tôi một tấm thiệp, ông ấy chỉ giải thích
là đang ở cùng một nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học
Quốc gia, và ông ấy làm việc với một ông Giáo sư Rosenfeld nào đó. Tôi
không biết ông này.
- Sau đó bác có gặp lại Edmond không?
- Có, một lần tình cờ, trên đại lộ Champs-Elysées. Chúng tôi nói chuyện với
nhau một chút. Rõ ràng ông ấy yêu đời hơn. Nhưng ông ấy vẫn tỏ thái độ
thoái thác, ông ấy khéo léo tránh tất cả các câu hỏi của tôi về công việc.
- Hình như bác ấy viết một cuốn bách khoa toàn thư.
- Cái đó à, có từ lâu rồi. Đó là việc lớn của ông ấy. Tập hợp tất cả những gì
ông ấy biết trong một tác phẩm.
- Bác đã từng nhìn thấy nó chưa?
- Chưa. Tôi cũng không tin là ông ấy đã cho bất kỳ ai xem. Tôi biết
Edmond, ông ấy chắc phải giấu nó tận đáy sâu vùng Alaska với một con
rồng phun lửa để bảo vệ. Đó là mặt “đại phù thủy” của ông ấy.
Jonathan chuẩn bị chào từ biệt.
- À! Một câu hỏi nữa ạ: bác có biết làm thế nào để xếp bốn hình tam giác
bằng nhau với sáu que diêm không?
- Tất nhiên. Đó là bài trắc nghiệm trí thông minh yêu thích nhất của ông ấy.
- Thế đáp án là gì ạ?
Jason phá lên cười.
- Thế thì, chắc chắn tôi sẽ không cho anh biết đâu! Như Edmond đã nói:
“Mỗi người tự tìm ra cách của mình.” Và anh sẽ thấy, sự thỏa mãn khi tìm