Đột nhiên, tiếng tốc tốc ám ảnh ban nãy bị một dạng tiếng gầm khan thay
thế. Mọi người có cảm giác là tấm áo choàng bằng cành cây của Tổ vừa bị
đục thủng. Cái gì đó rất lớn xuyên qua mái vòm, phá tan bức tường và
xuyên qua các cành cây.
Một cái tua xúc tu mảnh màu hồng lộ ra ngay giữa ngã tư. Nó quất không
khí, lướt trên mặt đất với tốc độ khủng khiếp, để tóm được nhiều dân nhất.
Vì kiến chiến binh xông lên phía cái tua để cố lấy răng cắn nó, một túm đen
chụm lại ở phần đầu. Vừa đủ miếng, cái lưỡi thè lên cao và biến mất, trút cả
đám vào họng, rồi lại hiện ra lần nữa, dài hơn, còn háu ăn hơn, nhanh như
chớp.
Vì thế báo động cấp hai được phát ra. Kiến thợ gõ gõ đầu bụng dưới của
mình xuống đất để ra hiệu cho kiến chiến binh ở những tầng dưới còn chưa
biết thảm họa.
Toàn Tổ vang những tiếng trống cấp thứ nhất. Tưởng chừng như “cơ thể
Tổ” hổn hển: tac, tac, tac! Tốc… tốc… tốc, con vật lạ đáp lại, và tiếp tục
nện nóc vòm để tiến sâu hơn. Mỗi thành viên của Tổ ép sát mình vào thành
để cố thoát kẻ nham hiểm màu đỏ hung dữ đang giày xéo các hành lang.
Khi một cú tớp áng chừng quá ít, cái lưỡi thè ra dài hơn. Một cái mỏ, tiếp
theo là một cái đầu khổng lồ.
Một con chim gõ kiến! Nỗi kinh hoàng của mùa xuân… Loài chim ăn sâu
bọ háu ăn này có thể đào lỗ trên nóc tổ kiến sâu tới sáu mươi centimét và
ních căng bụng dân cư trong đó.
Đến lúc phải tung ra báo động cấp ba. Một số kiến thợ, gần như phát điên vì
quá khích nhưng không thể hiện được bằng hành động, bắt đầu nhảy vũ
điệu sợ hãi. Các động tác giật giật từng khúc: nhảy, đập bụng dưới, khạc…
Các con khác, hoàn toàn cuồng loạn, chạy khắp các hành lang và cắn tất cả
những gì cử động. Hậu quả tai hại của nỗi sợ hãi: Tổ không tài nào tiêu diệt
được kẻ tấn công, mà kết cục là tự hủy diệt mình.
Thảm họa được xác định ở tầng thứ 15 bên trên đằng Tây, nhưng báo động
đã qua ba cấp, bây giờ cả Tổ bắt đầu vào cuộc chiến tranh. Kiến thợ xuống
những tầng hầm sâu nhất để giấu trứng vào chỗ ẩn. Chúng gặp các đoàn
kiến chiến binh vội vã, răng dựng đứng.