Lần này, trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Văn hóa thế giới”, ti vi chiếu
một phóng sự về tập quán tại Nhật Bản:
“Người Nhật, dân tộc đảo, quen sống tự cung tự cấp từ nhiều thế kỷ nay.
Đối với họ, thế giới được chia làm hai: người Nhật Bản và những người
khác, người nước ngoài với phong tục khó hiểu, những kẻ quê mùa, được
họ gọi là Gai jin. Người Nhật bao giờ cũng có quan điểm quốc gia rất chặt
chẽ. Ví dụ, khi một người Nhật tới định cư ở châu Âu, anh ta tự động bị loại
khỏi nhóm. Nếu một năm sau, anh ta trở về, bố mẹ, gia đình anh ta không
nhận anh ta như một người thân nữa. Sống tại nơi của người Gai jin, là bị
ngấm tinh thần của ‘người khác’, vì thế cũng trở thành một Gai jin. Thậm
chí bạn bè thời thơ ấu của anh ta sẽ nói chuyện với anh ta như với một
khách du lịch nào đó.”
Người ta nhìn thấy hiện trên màn hình nhiều ngôi đền và nơi linh thiêng
khác nhau của Thần đạo. Giọng thuyết minh tiếp tục:
“Quan niệm về sự sống và cái chết của họ khác với chúng ta. Ở đây, cái
chết của một cá nhân không quá quan trọng. Điều lo ngại là mất đi một
thành phần sản xuất. Để thuần hóa cái chết, người Nhật Bản thích rèn luyện
nghệ thuật chiến đấu. Đấu kendo được dạy cho trẻ em ngay từ ở lớp nhỏ…”
Hai chiến binh hiện lên ở giữa màn hình, mặc đồ như những samourai xưa.
Ngực họ được che bằng các tấm giáp màu đen có khớp. Đầu họ đội một cái
mũ hình bầu dục có hai lông dài ở ngang tai. Họ vừa lao vào nhau vừa hét
một tiếng hiếu chiến, rồi bắt đầu đấu bằng kiếm dài của mình.
Hình ảnh mới, một người đàn ông ngồi quỳ gối lấy hai tay cắm một thanh
kiếm ngắn vào bụng.
“Tự tử theo nghi lễ, Seppuku, là một đặc trưng khác của văn hóa Nhật Bản.
Chắc chắn, với chúng ta, sẽ rất khó hiểu…”
- Ti vi, lúc nào cũng ti vi! Làm mụ người đi! Nó nhồi nhét vào đầu tất cả
chúng ta toàn những hình ảnh giống nhau. Hai mẹ con còn chưa chán à?
Jonathan, quay về từ mấy tiếng đến giờ, kêu lên.