BÀI HỌC NHÂN HẬU
Năm 1978 là tròn 150 năm ngày sinh nhà văn Nga vĩ đại Lép Nhi-cô-
lai-ê-vích Tôn-xtôi, con người đã để lại cho chúng ta trong sách của mình
những kho báu tư tưởng và ngôn từ vô giá. Tôn-xtôi sinh ra, lớn lên và phần
lớn cuộc đời mình đã sống ở I-a-xnai-a Pô-li-a-na. Ông rất yêu trẻ nhỏ và đã
viết cho trẻ con nông dân I-a-xnai-a Pô-li-a-na nhiều truyện ngắn và truyện
đồng thoại.
Tôn-xtôi đã in những truyện ngắn và chuyện đồng thoại của mình dành
cho trẻ nhỏ trong những cuốn sách nhan đề “Sách học vần” và “Những
cuốn sách Nga để đọc”. Nhiều em nhỏ đã học đọc và học viết theo những
cuốn sách này.
Tôn-xtôi đã đưa vào những cuốn sách dành cho trẻ nhỏ nhiều câu
chuyện và truyền thuyết lấy từ văn học cổ, từ cuộc sống của các dân tộc
khác nhau trên thế giới. Ông đặc biệt thích thú các truyện ngụ ngôn giản dị
và ngắn mà nhà thông thái cổ Hy Lạp Ê-dốp đã sáng tác ra.
Ê-dốp sống cách đây đã lâu, khoảng hai ngàn rưởi năm, vào thế kỷ IV
trước công nguyên. Những truyện ngụ ngôn cổ chính là những bài học nhân
hậu. Mà bài học nhân hậu thì không bao giờ bị lãng quên!
Ai không nhớ truyện ngụ ngôn về hai người bạn và con gấu? Một anh
hoảng sợ leo tót lên cây, còn anh kia ở lại trên đường. Khi gấu bỏ đi, anh
thứ nhất hỏi: “Gấu nói gì với cậu thế?” Anh thứ hai đã trả lời: “Nó bảo rằng
không được bỏ bạn trong hoạn nạn”...
Câu chuyện này có thể đọc trong các sách giáo khoa cấp một ở Liên-xô,
cũng như trong những cuốn sách đầu tiên của thiếu nhi. Thậm chí cả những
đứa trẻ còn chưa biết đọc cũng đã quen biết nó. Nhưng ít ai biết rằng truyện
ngụ ngôn này là do Ê-dốp sáng tác, và Tôn-xtôi đã dịch ra tiếng Nga.