chết đi cho tao nhờ."
Hai anh em tôi ngồi im nhìn, không dám thốt một lời.
Suốt mấy ngày sau đó, mẹ tôi chỉ nằm trên giường. Cuối cùng, đến ngày
thứ tư thì mấy người cộng sản đến gỏ cửa.
Trong nhà, mọi người sợ hãi ôm lấy nhau, nín thở nhìn ông ngoại tôi khập
khểnh leo lên tầng trên mở cửa. Chúng tôi lắng nghe tiếng bước chân
những người cộng sản băng ngang phòng khách. Chúng tôi nghe tiếng ông
tôi trả lời những điều họ tra hỏi, và cái cách họ nói chuyện với nhau bằng
một giọng bắc rặt nghe thật lạ tai. Lát sau họ mời tất cả chúng lên lên tầng
trên. Bà ngoại tôi lên trước, tay vẫn cầm xâu chuổi như một tấm bùa hộ
thân. Vú Loan dìu mẹ tôi. Sau cùng là hai anh em tôi.
Khi chúng tôi lên hết tầng trên rồi, mẹ tôi ngồi vào một chiếc ghế trong lúc
những người đàn ông lạ ngừng cuộc nói chuyện ngó chúng tôi lom lom.
Quần áo họ nhàu nát, cũ kỷ và bạc màu. Người lớn tuổi nhất, khoảng 40,
tóc muối tiêu, chỉ ngón tay cáu bẩn về phía chúng tôi:
Ông ta nói lớn với ngoại tôi:
"Còn ai dưới đó không? Tất cả đã lên hết chưa?"
"Không còn ai, tất cả đã lên hết, thưa ông."
"Các đồng chí khẩn trương đi kiểm tra xem ông ta có khai thực không."
Ông ta ra lệnh cho thuộc cấp, rồi quay sang chúng tôi hỏi tiếp: "Tại sao các
người trốn dưới đó mà không chịu ra ngoài chào mừng vận hội mới của tổ
quốc. Các người trốn tránh cái gì hả?"
"Chúng tôi chỉ là một đám đàn bà, con nít và những người già cả. Chúng
tôi không biết chuyện gì xảy ra. Xin ông tha lỗi cho chúng tôi." Ngoại tôi
trả lời.
Ông ta lắc đầu. "Lý do nghe không được. Lúc này là lúc để ăn mừng chứ
không phải để lẫn trốn." Ông ta đảo mắt nhìn vào mặt từng người chúng
tôi. "Nhà này của ông?"
"Dạ không phải. Chúng tôi chỉ thuê lại."
"Chủ nhà hiện giờ ở đâu?"
"Tôi không biết, thưa ông. Trước đây ông ta ở dưới Chợ Lớn, nhưng mấy
ngày qua có nhiều thay đổi quá nên chúng tôi cũng không dám chắc."