83.
Cronshaw sắp xuất bản tập thơ của ông. Việc này, bạn bè đã thúc giục
ông từ nhiều năm nay, nhưng do lười nhác, ông không thể làm được những
điều cần thiết. Ðáp lại sự cổ vũ của họ, ông bảo ở Anh tình yêu thơ ca đã
chết, người ta xuất bản được một cuốn sách bằng giá của biết bao tháng
năm suy nghĩ và lao động; rồi ra nó được phê bình bằng dăm ba đồng khinh
thường cùng một lúc với hàng lô cuốn khác tương tự, và sẽ có vài ba chục
cuốn bán được, số còn lại thì sẽ trở về nhà máy giấy. Nỗi niềm khát khao
danh vọng từ lâu rồi đã mỏi mòn trong ông. Nó cũng chỉ là những ảo ảnh
như mọi thứ khác. Nhưng một người bạn ông đã đứng ra cáng đáng việc
này. Ông là nhà văn Leonard Upjohn mà Philip được gặp một vài lần với
Cronshaw trong các quán ăn ở khu phố. Ông có danh tiếng lớn ở Anh, là
nhà phê bình và được cả nước công nhận là người giải thích văn học hiện
đại Pháp. Ông sống nhiều ở Pháp, là một trong những người làm cho tờ
Mercure de France trở thành tờ tạp chí sinh động nhất của thời kỳ đó do
cách diễn đạt quan điểm bằng một thứ ngôn ngữ giản dị. Ở Anh ông nổi
tiếng là người có tính độc đoán. Philip đã đọc một số bài báo của ông. Ông
bắt chước Sir Thomas Brown và tạo cho mình một văn phong liêng. Ông
dùng những câu trau chuốt, cân nhắc kỹ càng và những từ cổ xưa lộng lẫy
làm cho các sáng tác của ông có cá tính. Leonard Upjohn đã thuyết phục
Cronshaw giao cho ông toàn bộ các bài thơ vì thấy rằng đã đủ để xuất bản
thành một tập thơ với khổ cỡ hợp lý. Ông hứa dùng ảnh hưởng của mình
với các nhà xuất bản. Cronshaw đang cần tiền. Từ khi bị ốm đau, càng ngày
ông càng thấy khó mà làm việc được đều đặn; ông kiếm chỉ vừa đủ tiền để
mua rượu. Khi Upjohn viết cho ông rằng có một vài nhà xuất bản mặc dù
hâm mộ thơ đó cũng thấy không bõ công xuất bản thì Cronshaw bắt đầu
quan tâm đến chuyện này. Ông viết cho Upjohn nhấn mạnh tình cảnh cục kì
túng thiếu của mình, thúc giục ông ta cố gắng hơn nữa. Giờ đây khi sắp từ
bỏ cuộc đời, ông cũng nghĩ rằng mình đã sáng tác được những vần thơ