17.
Hai năm tiếp theo Philip sống trong trạng thái đều đều dễ chịu. Chàng
không bị trêu chọc hơn những học sinh khác cùng lứa tuổi; và tình trạng tật
nguyền của chàng cho phép chàng khỏi tham gia các trò chơi, làm cho sự
có mặt của chàng trở thành vô nghĩa, vì vậy mà chàng lấy làm khoan khái.
Chàng không được mọi người ưa thích và chàng sống rất cô độc. Chàng
qua hai học kỳ lớp đệ tam với Nháy Mắt. Thầy giáo này, dáng điệu mệt
mỏi, hai mí mắt lúc nào cũng rũ xuống nom có vẻ vô cùng buồn rầu. Thầy
làm nhiệm vụ của mình nhưng với một thái độ thờ ơ. Thầy rất tin tưởng vào
danh dự của học sinh. Thầy thấy rõ muốn cho chúng thật thà thì việc đầu
tiên là không một lúc nào được để lọt vào đầu mình cái ý nghĩ rằng chúng
dối trá. “Đòi hỏi nhiều” thầy trích dẫn “thì anh sẽ được nhiều”. Cuộc sống
ở lớp đệ tam thoải mái. Người ta biết chính xác đến lượt phải giải thích câu
văn nào, và với bài quay cóp được chuyền tay nhau, người ta có thể tìm ra
mọi điều cần thiết trong vài phút; người ta có thể đặt cuốn ngữ pháp la tinh
để mở trên đầu gối trong khi các câu hỏi đang đặt ra cho cả lớp; và nếu thấy
trong hàng tá bài tập có cùng một lỗi lớn như nhau, thì Nháy Mắt cho đó là
điều kỳ quặc. Thầy không tin lắm vào việc thi cử, vì thầy để ý thấy học sinh
tại các kỳ thi không bao giờ làm bài tốt như làm ở lớp. Thật là chán ngán
nhưng không có ý nghĩa gì quan trọng. Học sinh được lên lớp đúng trình tự,
nhưng không học được gì nhiều ngoài cái tính trâng tráo sẵn sàng xuyên tạc
sự thật, điều này có thể giúp họ nhiều trong cuộc sống sau này hơn là khả
năng đọc được tiếng La tinh trôi chảy.
Sau đó học sinh lại rơi vào tay của Nhựa Đường. Tên thầy là Turner và
là người hoạt bát nhất trong số thầy giáo cũ, người thấp, bụng phệ, râu đen
đã bắt đầu hoa râm, nước da ngâm ngâm. Trong bộ quần áo tăng lữ, quả
thật thầy có cái gì đó khiến người ta nghĩ đến thùng nhựa đường. Và mặc
dầu trên nguyên tắc thầy bắt chép phạt năm trăm dòng đối với cậu nào hé