có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp
lại không đi theo trào lưu này, họ không sản xuất ra sản phẩm, không có kĩ
thuật hạt nhân, mà chỉ nhập các sản phẩm khác nhau về đóng gói, vậy mà
vẫn tạo được thương hiệu trên thị trường.
Tiểu Ngô là chủ một cơ sở chế biến thực phẩm, có thể được coi là một
doanh nghiệp nhỏ, số lượng nhân công và quy mô sản xuất không lớn lắm,
chủ yếu chế biến những những đặc sản địa phương; các sản phẩm được bày
bán chủ yếu ở các cửa hàng đặc sản hoặc các địa điểm du lịch, ngoài ra,
cũng có một số người về quê thăm họ hàng thân thích mua về để làm quà.
Lợi nhuận hàng tháng trừ đi các khoản chi tiêu thì cũng còn dư chút ít.
Tiểu Ngô thường lo công việc ngoại giao bên ngoài, việc quản lí xưởng do
vợ anh phụ trách. Tuy nhiên việc làm ăn ngày càng trở nên khó khăn, nếu
không phải là nhà sản xuất chèn ép khách hàng thì cũng là khách hàng chèn
ép nhà sản xuất. Quy mô kinh doanh của Tiểu Ngô không lớn lắm, sản
phẩm cũng không quá đặc sắc, vậy nên mỗi lần đi đưa hàng là một lần phải
dò xét thái độ của người mua. Mỗi khi đến hạn trả tiền hàng, các chủ tiệm
thường lấy cớ tạm thời không có tiền. Tiểu Ngô biết là cái cớ của họ nhưng
vẫn phải nhẫn nhịn vì muốn kiếm được đồng tiền thời buổi này đâu có dễ
dàng gì.
Tiểu Ngô cũng biết sản phẩm của xưởng chỉ có lượng tiêu thụ vừa phải, vì
không phải ai cũng thích thứ đặc sản đó, đối tượng tiêu thụ chủ yếu là
những du khách mua để thưởng thức hương vị mới, hoặc mua về để làm
quà tặng cho bạn bè.
Một hôm, Tiểu Ngô đến thanh toán tiền hàng tại một cửa hàng bán đặc sản
ở khu du lịch. Ông chủ cửa hàng bận tiếp khách, không có thời gian thanh
toán, thế là Tiểu Ngô đành phải ngồi chờ ở cửa hàng đến khi ông ta tiếp
khách xong. Trong lúc ngồi chờ, Tiểu Ngô cũng để ý nghe ngóng xem nhu
cầu mua hàng của khách hàng là gì. Anh nhận thấy rất nhiều người hỏi mua
đặc sản Bát trân ở quê mình.