Tiểu Triệu mỉm cười và quay người bỏ đi, bỗng nhiên, trong đầu anh nảy ra
một suy nghĩ: Mỗi năm, sau các kì thi, sinh viên thường vứt đi một lượng
lớn giáo trình và tài liệu ôn tập, thậm chí có người sau khi tốt nghiệp còn
đốt hết sách vở, ở Đại học có một đặc điểm là môn nào học xong rồi thì
không bao giờ còn cần đến giáo trình của môn đó nữa. Nếu thu gom những
giáo trình và tài liệu đó lại, bán cho sinh viên khóa dưới, chỉ cần sách vở
còn mới, giá cả phải chăng thì nhất định sẽ có người mua, hơn nữa, giáo
trình đại học không được đổi mới thường xuyên, sinh viên cách vài khóa
vẫn có thể dùng được. Chưa thấy ai kinh doanh theo kiểu này, chỉ có vài
sinh viên bán lẻ cho nhau mà thôi, nếu mình mở cửa hàng trước cổng
trường thì có thể làm ăn lâu dài, đúng là một kế hoạch hay.
Về đến nhà, Tiểu Triệu lại suy nghĩ thật kĩ một lần nữa về phương thức
thực hiện. Anh quyết định dành một phần cửa hàng để kê một loạt giá sách
nhỏ gồm nhiều ô, chia thành những khu vực khác nhau, chuyên bán đồ cũ
cho sinh viên. Chị Vương - vợ Tiểu Triệu cũng đồng tình với chồng về kế
hoạch kinh doanh này, chỉ có điều, chị lo Tiểu Triệu không biết định giá đồ
dùng học sinh thế nào cho hợp lí nên bảo anh hãy để những sinh viên cần
bán đồ tự định giá cho món hàng của mình, giống như hình thức bán hàng
trên mạng Taobao vậy. Tiểu Triệu chỉ thu 10% giá bán hàng gọi là chi phí
quản lí. Đồng thời, để có vốn điều động cho cửa hàng, Tiểu Triệu đã thu
phí mỗi ô bày hàng là 0.1 - 0.2 tệ một ngày, tùy vào diện tích lớn nhỏ, như
vậy các sinh viên cũng sẽ định giá món hàng của mình một cách hợp lí hơn
để bán được một cách nhanh chóng. Nếu một món đồ nào đó đã bày lâu mà
không bán được thì chủ của nó có thể chọn một trong hai cách: trả phí
thuê gian hàng và mang đồ về hoặc giảm giá để bán được nhanh hơn. Dù
thế nào thì Tiểu Triệu cũng không bị lỗ vốn, dù hàng không bán được
nhưng vẫn thu được tiền thuê gian hàng. Bán được hàng sẽ nhận được 10%
chi phí quản lí. Sinh viên cũng có thể mượn gian hàng của anh để bán được
những đồ dùng mà mình không cần đến nữa.