Tiểu Triệu muốn chuyển sang ngành nghề khác, nhưng một mặt anh không
có vốn, mặt khác cũng không có kinh nghiệm. Kinh doanh có tính rủi ro rất
cao, nếu bị lỗ vốn thì cuộc sống của cả nhà không còn là một vấn đề nhỏ
nữa. Hay là đi làm nhân viên cho người ta từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều?
Mấy năm nay Tiểu Triệu không làm việc theo giờ hành chính, không thể
nào làm quen ngay được, không khéo còn chẳng kiếm được tiền bằng việc
bán hàng, trong khi đó con còn nhỏ quá, nếu mình bán hàng ở nhà thì ít
nhiều gì cũng phụ vợ trông con được. Cuối cùng, Tiểu Triệu vẫn quyết tâm
duy trì công việc buôn bán ở cửa hàng.
Tiểu Triệu có thói quen đi dạo khi rảnh rỗi, việc ngắm nhìn hoạt động của
những sinh viên xung quanh mình khiến anh cảm thấy như trẻ lại và giàu
sức sống hơn. Ngôi trường này có hơn ba nghìn sinh viên đến từ khắp nơi
trên đất nước, hoàn cảnh gia đình mỗi người cũng khác nhau, có người
được sống trong nhung lụa giàu có, có người lại phải làm thêm trong nhà
ăn và kí túc xá để có tiền trang trải cuộc sống.
Hôm đó, Tiểu Triệu nhìn thấy trước cửa nhà ăn có một đám sinh viên đang
tụ tập rất náo nhiệt, anh liền tới xem có chuyện gì, thì ra là có mấy sinh
viên đang bày bán đồ cũ ở vỉa hè, chủ yếu là tài liệu đã dùng qua và các
dụng cụ thể thao. Những chuyện như thế này Tiểu Triệu đã nhìn thấy nhiều
lần, tư duy của thanh niên thời nay là vậy - luôn thích thay đổi, theo đuổi
cái mới, đồ dùng cũ của mình sẽ không tùy tiện bỏ đi mà bán lại cho người
khác để kiếm chút tiền. Khách hàng mua những món đồ này là những
người có nhu cầu dùng sản phẩm nào đó chỉ trong một khoảng thời gian
nhất định, chất lượng đối với họ không thành vấn đề, chỉ cần rẻ và có thể
dùng được là được. Nhưng cả trường có tới mấy nhà ăn, sinh viên cũng
phân tán mỗi người một nơi nên tỉ lệ giao dịch thành công không cao, các
sinh viên này chỉ làm cho vui mà thôi, không bán được hàng cũng không
sao.