Sau đó, anh mang bản kế hoạch triển khai dự án mới và tài liệu liên quan
đến tình hình tiêu thụ bộ Thịnh thế tàng thư đi gặp Quốc, sau khi bàn bạc,
số sách trị giá 800 triệu tệ đang tồn kho của anh được tính theo nguyên tắc
10% giá trị thực tế, tức là 80 triệu, căn cứ vào chính sách cho vay lãi suất
thấp đối với các sản phẩm văn hóa và sáng chế của ngân hàng, anh đã được
vay 50 triệu tệ. Vậy là Vũ đã thành công trong việc chuyển đổi giá trị của
số sách đang tồn kho thành tiền mặt có thể điều động được và đã vay được
vốn để triển khai dự án mới.
Bài học tâm đắc
Công ty nào cũng có tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Đã là tài sản thì
chắc chắn phải có giá trị, có thể chuyển những tài sản đó thành vốn lưu
động và phát huy tối đa tác dụng của nó hay không là một việc đòi hỏi đầu
óc của người kinh doanh. Nếu có thể tính toán chi tiết và quản lí một cách
chặt chẽ thì có thể tạo ra kì tích. Không chỉ có hàng tồn kho mà thương
hiệu, bản quyền phát minh hay hợp đồng kinh doanh của doanh nghiệp đều
có thể trở thành tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
3. CHIM SẺ CŨNG CÓ THỂ ĐẺ TRỨNG
PHƯỢNG HOÀNG
Rất nhiều câu chuyện kì tích trong kinh doanh đều tuân theo một quy luật
chung, đó là một nhân vật kì tài đã phát hiện và thực hiện thành công một
dự án kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và có nguy cơ thấp. Nhưng tại
sao lại gọi là kì tích? Là vì khả năng hiện thực hóa của các dự án kinh
doanh đó rất nhỏ. Đại đa số công việc kinh doanh đều diễn ra theo quy luật
thông thường, tức là lợi nhuận không cao lắm, vì cả người bán và người
mua đều biết rõ lợi nhuận trung gian là bao nhiêu. Vậy có cách nào để khai
phá được tiềm năng và thu về lợi nhuận cao hơn trong một công việc kinh
doanh bình thường không?