Bản thân Lí không có ước vọng gì cao xa, chỉ nghĩ rằng mình không đủ sức
khỏe để làm việc thời gian dài trên tàu nhưng trông cửa hàng thì chắc là
không có vấn đề gì. Tuy mỗi ngày phải bỏ ra nhiều thời gian hơn, thu nhập
mỗi năm cũng không cao lắm nhưng so với đi làm nhân viên quèn thì vẫn
hơn. Ngoài ra, nếu mình không kinh doanh thì vẫn có thể môi giới cho
người ngoài ngành để kiếm chút hoa hồng. Thế là Lí cũng đăng kí dự thầu.
Vốn liếng của Lí không nhiều lắm, những ki-ốt có diện tích lớn, vị trí đẹp,
nhiều người tranh giành, giá thành chắc chắn sẽ cao, bản thân anh biết mình
không đủ sức mua. Cuối cùng, Lí được thầu một ki-ốt có vị trí không tốt
lắm, đúng ở lối vào ga của xe buýt chứ không phải là cửa vào của tàu hỏa.
Diện tích ki-ốt chỉ có 10m2 mà thôi. Tuy vậy, Lí vẫn rất vui vì cuối cùng
đã tìm ra kế sinh nhai để cải thiện kinh tế cho gia đình.
Lí không có kinh nghiệm kinh doanh, không biết phải bắt đầu thế nào nên
đã nhờ Đại - người anh trai đã lăn lộn thương trường nhiều năm của mình
giúp vạch chiến lược kinh doanh.
Đại rất nhiệt tình, dành hẳn một tuần để khảo sát tình hình, cuối cùng, anh
khuyên Lí hãy mở một cửa hàng bán bánh nướng trong chuỗi cửa hàng A
Lang.
Lí cảm thấy hơi khó hiểu, tại sao Đại lại chọn hình thức kinh doanh này?
Đại giải thích rằng: “Việc làm ăn nhìn thì có vẻ phức tạp, có rất nhiều cách
làm ăn khác nhau, nhưng điểm cốt lõi vẫn chỉ là đáp ứng nhu cầu của khách
hàng. Khi hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và đáp ứng nhu cầu đó một cách
tốt nhất thì việc kinh doanh ắt sẽ thành công. Anh sẽ phân tích cụ thể một
chút về cửa tiệm bánh nướng của chú: Những cửa hàng ở nhà ga mở ra đều
nhằm phục vụ hành khách lên xuống tàu xe, chứ không có người dân bản
địa nào đến đây mua hàng cả.” Lí cười nói: “Điều đó thì đương nhiên rồi,
hàng hóa bán ở gần ga tàu thường đắt hơn nhiều so với ở ngoài, ai rỗi hơi
chạy đến đây mua đồ chứ.”