phải trả nhiều chi phí ẩn để điều hành những quầy bán hàng như thế này mà
khán giả đến xem phim không nhận biết hết được. Mặc dù vậy, người ta
vẫn chưa đưa ra được do rõ ràng tại sao giá bỏng ngô ở rạp chiếu phim lại
cao hơn nhiều so với giá tại các cửa hàng bánh kẹo, nơi bạn có thể mua
cùng một bịch bỏng ngô với giá chỉ bằng 1/3. Do đó, việc giả định rằng tiền
lãi từ bỏng ngô tại các rạp chiếu phim là kếch xù và đi tìm lời giải thích cho
vấn đề đó là một bài toán đáng để tìm hiểu.
Dĩ nhiên, người bạn đồng hành của tôi đã có câu trả lời cho vấn đề đó.
Bỏng ngô đắt là vì, tại rạp chiếu phim, chủ rạp là người sở hữu độc quyền
các quầy bán bỏng ngô. Nếu trên phố cũng chỉ có một cửa hàng bánh kẹo,
và nếu đó là nơi duy nhất bạn có thể mua bỏng ngô thì giá một gói bỏng
ngô cũng sẽ là 3 đô-la. Khi bạn ở trong rạp chiếu phim, sự độc quyền bán
bỏng ngô ở đó cũng giống như tại tiệm bánh kẹo duy nhất trên phố.
Như người bạn đồng hành rất muốn nói với tôi, bạn không cần đến kiến
thức kinh tế để lý giải một câu chuyện đơn giản đến thế. Tôi cũng rất muốn
nói với anh ta rằng - anh ta không phải là người duy nhất kiềm chế bản thân
vì phép lịch sự - anh không cần bất cứ kiến thức kinh tế nào để hiểu ra logic
của vấn đề. Bởi vì câu chuyện đó không hợp lý chút nào.
Khi bạn bước vào rạp chiếu phim, chủ rạp là người độc quyền trong rất
nhiều thứ. Ví dụ, ông ta là nhà độc quyền trong việc cung cấp phòng vệ
sinh. Vậy tại sao ông ta không bắt bạn phải trả giá độc quyền để sử dụng
phòng vệ sinh? Tại sao lại không tính tiền để được đi từ rạp chiếu phim ra
sảnh ngoài, từ sảnh ngoài vào sảnh trong, rồi qua hai cửa để vào phòng
chiếu phim, và tính tiền cả ghế ngồi xem phim nữa?
Dĩ nhiên, câu trả lời là phí phòng vệ sinh sẽ khiến người xem phim cảm
thấy phản cảm. Và khi đó, để giữ khách, chủ rạp buộc phải bán vé với giá
rẻ hơn. Tất nhiên, số tiền thu được từ phòng vệ sinh sẽ bị thất thoát trong
tiền bán vé với mức giá rẻ hơn và thế là mọi thứ coi như xôi hỏng bỏng
không.