Mặc dù các chuyên gia đã không thể dự báo về tình trạng tội phạm
giảm sút − mà thực tế đó diễn ra ngay cả khi họ đang đưa ra những dự báo
nghiêm trọng về tình trạng tội phạm − thì nay họ lại vội vàng giải thích
hiện tượng này. Hầu hết những giả thuyết của họ đều có vẻ hoàn toàn hợp
lý. Các chuyên gia cho rằng đó chính là do nền kinh tế đang phát triển của
những năm 1990 đã góp phần giảm bớt tội phạm. Họ cho rằng đó chính là
do sự tăng cường của luật kiểm soát súng; đó là do các chiến lược cải tổ
ngành cảnh sát được triển khai tại thành phố New York, nơi các vụ án mạng
đã giảm từ 2.245 vụ trong năm 1990 xuống còn 596 vụ trong năm 2003.
Các giả thuyết này không chỉ hợp lý; chúng còn mang tính khích lệ
khi đã gắn sự suy giảm tội phạm với những sáng kiến cụ thể và mới đây
của xã hội. Nếu nguyên nhân chính là do việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn
và số lượng cảnh sát tăng lên đã đẩy lui nạn tội phạm, thì sức mạnh để chế
ngự nạn tội phạm thật sự nằm trong tầm tay của chúng ta. Và nếu vậy trong
thời gian tới, lạy Chúa, bọn tội phạm sẽ khốn đốn.
Các giả thuyết đều có lý lẽ riêng của chúng, có vẻ như chẳng có sai sót
gì từ lời giải thích của các chuyên gia, tới diễn giải của báo chí và nhận
thức của người dân. Tóm lại, chúng đã trở thành nhận thức thông thường.
Duy chỉ có một vấn đề: các giả thuyết đó không đúng.
Có một yếu tố khác đóng vai trò chính trong việc đẩy lui nạn tội phạm
trong thập niên 1990. Yếu tố đó đã hình thành từ hơn 20 năm trước và liên
quan tới một phụ nữ trẻ tuổi ở Dallas có tên là Norma McCorvey.
Cũng giống như một con bướm độc xuất hiện tại một lục địa và cuối
cùng lại gây ra thảm họa tại một lục địa khác, Norma McCorvey đã thay
đổi đột ngột tiến trình của các sự kiện mà không hề có chủ ý. Tất cả những
điều cô ta muốn chỉ là việc phá thai. Đó là một phụ nữ 21 tuổi, nghèo, thất
học, không nghề nghiệp, nghiện rượu và ma túy; đã cho hai đứa con làm
con nuôi người khác và lúc đó, cái năm 1970 ấy, người phụ nữ này phát
hiện mình lại có thai. Nhưng tại Texas, cũng như các bang khác (ngoại trừ