động tự kinh doanh, chẳng hạn như giám đốc khách sạn hoặc chủ thầu của
đội xây dựng nhỏ – 57% thu nhập không được báo cáo. Như vậy 68 tỷ đô-
la thuế thất thu nằm ở đây.
Tại sao lại có sự khác biệt lớn đến vậy giữa một người làm công ăn
lương và một ông chủ khách sạn? Đơn giản thôi! Người duy nhất báo cáo
thu nhập của ông chủ khách sạn cho I.R.S. chẳng phải ai khác ngoài chính
ông ta; còn đối với người làm công, người chủ sử dụng mẫu khai thuế W2
để báo cáo cho I.R.S. biết chính xác số tiền mà ông ta đã trả cho người làm
công đó. Và các khoản thuế mà người làm công phải đóng sẽ tự động được
thu lại sau mỗi lần kiểm tra định kỳ, trong khi người chủ khách sạn có tới
một năm để quyết định xem liệu có nên đóng thuế hay không, và nếu đóng
thì là bao nhiêu.
Nói như vậy có phải là người làm việc tự do kém trung thực hơn so
với người làm công ăn lương bình thường? Không hẳn! Chỉ là anh ta có
nhiều động cơ để gian lận hơn mà thôi. Anh ta biết rằng cơ hội duy nhất
khiến I.R.S. biết được thu nhập và chi tiêu thật sự của mình là kiểm tra sổ
sách kế toán. Và tất cả những gì anh ta cần phải làm là quan sát tỷ lệ kiểm
toán vô cùng nhỏ của I.R.S. – năm ngoái, cơ quan này chỉ tiến hành kiểm
toán trực tiếp 0,19% trên tổng số tất cả những người đóng thuế cá nhân – để
cảm thấy an tâm và tiếp tục gian lận.
Thực ra tại sao mọi người lại đóng thuế? Vì đó là một việc làm đúng
đắn, hay vì bạn sợ bị bắt nếu không đóng thuế? Chắc chắn là vì lý do thứ
hai rồi. Sự kết hợp giữa kỹ thuật tốt (báo cáo tài chính) và logic kém (hầu
hết những ai không gian lận thuế đều đánh giá quá cao khả năng bị kiểm tra
sổ sách kế toán) đã giúp hệ thống này vận hành. Và trong lúc thật đáng
buồn khi phải nghe thông tin 1/5 người Mỹ trốn đóng thuế, thì nhà kinh tế
học Joel Slemrod vẫn đánh giá rằng nước Mỹ dễ dàng lọt vào nhóm các
quốc gia đứng đầu về tỷ lệ chấp hành luật pháp.