mà chỉ như những thông tin được phân phối theo cách thức khiến khó có
thể có sự so sánh. Nhưng trong cả hai trường hợp, cách thức phổ biến thông
tin đã làm giảm sức mạnh của thông tin. Như vị Chánh án Toà án tối cao
Louis D.Brabdeis từng viết, “ánh sáng mặt trời được coi là chất tẩy uế hữu
hiệu nhất”.
Thông tin có giá trị như thế nào còn tuỳ thuộc vào đối tượng và cách
thức nắm giữ thông tin. Thông tin mạnh tới mức thông tin giả định, ngay cả
nếu như thông tin đó thật sự là không tồn tại, cũng có thể gây ảnh hưởng
nghiêm trọng. Hãy xem xét trường hợp của chiếc ô tô sau một ngày xuất
bán.
Ngày chiếc ô tô được xuất bán là ngày tồi tệ nhất của nó, bởi vì ngay
lập tức nó đã mất đi một phần tư giá trị. Điều này có vẻ như vô lý, nhưng
chúng ta đều biết đó là sự thật. Một chiếc ô tô được mua với giá 20.000 đô-
la không thể bán lại ngay với giá cao hơn 15.000 đô-la. Tại sao? Bởi vì chỉ
người nào muốn bán lại một chiếc ô tô mới toanh mới là người biết chiếc ô
tô đó là thứ không đáng xài. Vì vậy nếu ngay cả khi chiếc ô tô đó chẳng
đến nỗi nào thì khách hàng tiềm năng nào đó cũng sẽ giả định như vậy. Anh
ta sẽ cho rằng người bán có những thông tin về chiếc ô tô mà anh ta, là
khách hàng, không có những thông tin đó − và người bán đã phải chịu thiệt
vì những thông tin giả định đó.
Và nếu như chiếc ô tô đó là thứ vô dụng? Tốt hơn hết, người bán nên
đợi hết một năm sau rồi hãy bán. Và khi đó, sự nghi ngờ về tính vô dụng sẽ
phai nhạt dần; khi đó, một số người sẽ bán những chiếc ô tô mới sử dụng
một năm vẫn còn tốt gần như trăm phần trăm, những đặc điểm vô dụng sẽ
ẩn trong chúng và hoàn toàn có thể bán chúng với giá cao hơn là giá trị
thực sự.
Bao giờ trong một giao dịch cũng có một bên nắm thông tin chính xác
hơn bên kia. Theo cách nói của các nhà kinh tế học, những trường hợp như
vậy được coi là trường hợp thông tin bất đối xứng. Chúng ta chấp nhận