Brazil: Giữa Bộ Tài chính của nước này và 27 bang đạt được kế hoạch
điều chỉnh tài chính có thời hạn 3 năm nhằm điều chỉnh thu - chi tài chính
cơ bản và mức nợ trần, mở rộng không gian tài chính cho hoạt động vay nợ.
Thông qua các ngân hàng khai thác và phát triển, chính quyền liên bang
thiết lập một hạn mức nhận tín dụng cho các địa phương nhận được ít
chuyển dịch ngân sách.
Pháp: Chính quyền Trung ương rút ngắn thời gian hoàn trả thuế VAT cho
địa phương, từ đó giúp chính quyền địa phương năm 2009 vẫn duy trì được
mức chi tiêu cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2004 - 2007. Năm 2009,
mức hoàn thuế VAT là hơn 4 tỉ Euro, tương đương với 8% tổng chi ngân
sách của chính quyền địa phương tại Pháp. Tổng mức nợ ròng của chính
phủ Pháp năm 2009 là 5,1 tỉ Euro, số nợ chưa trả tương đương 4% GDP
năm 2008.
Ấn Độ: Chính quyền liên bang cho phép chính quyền các bang huy động
vốn từ thị trường, điều này khiến tổng mức chi của chính quyền địa phương
trong năm tài khóa 2008/2009 tăng thêm 14,8% so với năm tài khóa trước
đó. Có một số bang của Ấn Độ thậm chí ban hành các chính sách kích thích
tài khóa riêng của mình, một số bang thì miễn giảm thuế.
Nga: Chính quyền liên bang tăng cường hỗ trợ tài chính cho các địa
phương, thông thường tăng thêm 45% mức hỗ trợ so với dự định đầu năm
2009, điều này đã hạn chế rất nhiều sự suy giảm chi tiêu công của các địa
phương. Ngoài ra, chính quyền liên bang cũng trích một phần trong ngân
sách để cung cấp các khoản vay lãi suất thấp có kì hạn 3 năm cho chính
quyền địa phương.
Nguồn: Canuto & Liu (2010)
Cốt lõi của hệ thống kiểm soát hoạt động tài chính địa phương là thiết lập định
mức/hạn ngạch đối với những chỉ tiêu tài chính chủ chốt như thâm hụt ngân sách
(fiscal deficit), thâm hụt cơ bản (primary deficit), tỉ lệ trả nợ và bảo lãnh. Để có
thể hình thành được hệ thống kiểm soát nợ địa phương có hiệu quả, Trung Quốc
có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước (Hộp 5.4).
Hộp 5.4: Kinh nghiệm kiểm soát nợ địa phương của một số quốc gia