xuống mức 9,6% năm 2008 và 9,2% năm 2009 (trong đó quý I/2009 chỉ tăng
trưởng ở mức 6,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ
1991). Xuất khẩu suy giảm mạnh là căn nguyên của sự giảm tốc tăng trưởng này.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc 2008 chỉ là 17,8% (từ mức 26% năm
2007) và suy giảm tới -16% năm 2009. Chỉ số Shanghai Composite ở mức 6.240
điểm năm 2007, đến tháng 8/2008 chỉ còn 2.200 điểm, 9 tháng sau khi cuộc
khủng hoảng tài chính bùng phát đứng ở mức 1.720 điểm, tổng cộng bốc hơi hơn
86% giá trị. Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc ở quy mô 1.800 tỉ USD đầu năm 2008,
đã chịu tổn thất khoảng 840 tỉ USD do khủng hoảng bởi những khoản đầu tư vào
các tổ chức tài chính Mỹ.
Ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, hàng loạt
chính phủ Trung ương các nước đã tung ra những chính sách kích thích tài chính
và tiền tệ, đồng thời đẩy mạnh phối hợp chính sách và hành động. Ngay khi
khủng hoảng bùng phát, ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn từ Mỹ tới
châu Âu, Nhật Bản… đã đồng loạt cung ứng thanh khoản khẩn cấp, bảo lãnh các
khoản vay trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời nhanh chóng giảm lãi suất
cơ bản xuống những mức thấp kỷ lục và tung ra các chương trình nới lỏng định
lượng (quantitative easing – QE). Tiếp nối các chính sách tiền tệ nới lỏng, chính
phủ các nước (cả phát triển và đang phát triển) tiếp tục triển khai các gói kích
thích kinh tế, mà theo ước tính chiếm khoảng 3,16% GDP của các nước (IMF,
2009). Phối hợp chính sách và hành động giữa chính phủ các nước đang phát
triển và đang nổi chặt chẽ và có hiệu quả hơn bao giờ hết, qua đó cơ chế G20 nổi
lên thay thế cơ chế G7 như là diễn đàn điều phối và thương lượng các vấn đề
kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng nhất. Phản ứng lập tức và trên quy mô lớn của
chính phủ các nền kinh tế đã hỗ trợ cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vào năm
2010, khi kinh tế toàn cầu trở lại xu thế tăng trưởng dương (đạt 5,2%), thương
mại sôi động trở lại và dòng vốn đầu tư được khơi thông.
Nhưng kinh tế thế giới đã không thể phục hồi theo kịch bản lạc quan “hình
chữ V”, mà việc nôn nóng tung “bàn tay hữu hình” đưa nền kinh tế trở lại trạng
thái tăng trưởng đã chất thêm gánh nặng lên tài chính công, trong khi chưa có
dấu hiệu rõ ràng về việc các chính sách kích thích đã hỗ trợ cho chuyển đổi mô
hình tăng trưởng kinh tế một cách bền vững hơn, tạo động lực và nền tảng cho
tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.