Tại các nền kinh tế phát triển, động lực tăng trưởng yếu hơn bao giờ hết. Tăng
trưởng GDP sau khi hồi phục ở mức 3,0% năm 2010 đã suy yếu rõ rệt và chỉ duy
trì được mức tăng trưởng rất thấp, 1,6% năm 2011 và 1,2% năm 2012. Năng lực
xuất khẩu ở mức yếu, tăng trưởng xuất khẩu sau khi hồi phục ở mức 12,1% năm
2010 chỉ còn 5,6% năm 2011 và 1,9% năm 2012. Trong khi đó, nợ công của
nhiều nền kinh tế phát triển đã vượt 100% GDP, cao nhất kể từ Chiến tranh thế
giới thứ II, trong đó tiêu biểu là các nước như Nhật Bản, Mỹ và một số nước
châu Âu như Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha. Thâm hụt ngân sách cũng gia
tăng, thâm hụt ngân sách trên GDP ở Mỹ tăng vọt từ 5,4% năm 2009 lên 10,5%
năm 2010; ở Nhật Bản từ 2,9% lên 7,6%; ở Hy Lạp từ 9,9% lên 15,6%.
Tại các nền kinh tế đang phát triển, động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế
toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng, phục hồi và giữ tăng trưởng kinh tế ở mức
cao buộc các nền kinh tế này phải trả giá bằng tình trạng lạm phát, đồng bản tệ
tăng giá. Tăng trưởng GDP tại các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển đạt
7,6% năm 2010, trước khi sức tăng trưởng suy yếu dần và chỉ đạt 6,4% và 5,1%
lần lượt hai năm 2011 và 2012. Lạm phát ở các nước này sau khi ở mức thấp
nhất (5,1%) năm 2009, đã tăng lên mức 6,0% năm 2010 và 7,2% năm 2011.
Đồng USD yếu buộc chính phủ các nền kinh tế có động lực tăng trưởng phần lớn
nhờ vào xuất khẩu hàng hóa này phải thực thi nhiều chính sách hỗ trợ đồng nội
tệ giảm giá, đến mức đẩy các nước này đến bên bờ vực của “chiến tranh tiền tệ”
vào đầu năm 2012.
Hình 2.1: Tăng trưởng GDP, tổng đầu tư/GDP và tiết kiệm/GDP ở Trung
Quốc (2000 - 2012)