- Nhưng cháu phải đi làm, đến công sở, không giống như bác ở nhà
dưỡng bệnh.
- Vậy không nói năng, phát biểu không được hay sao. Cháu hãy nhớ cái
miệng mọc lên ở đâu, ở cái đầu này này.
- Thưa bác, bác ở nhà nghỉ dưỡng lâu ngày, nào có biết khi phong trào
vừa ập tới mọi người đều phải tỏ rõ thái độ, không thể đứng ngoài cuộc!
Nhà cách mạng lão thành như ông bác họ của anh tất nhiên không phải là
không biết, nên đành than rằng “Thời loạn mà, muốn sống nổi, e chỉ còn cách
lên núi, vào chùa làm hòa thượng”. Đây mới thật là lời nói chân thành và tâm
huyết của ông, lần đầu tiên ông đề cập đến vấn đề chính trị với anh, ông không
còn xem anh là trẻ con nữa:
- Bác cũng đang mượn cớ bệnh hoạn mà tránh gió trốn bão đây, giá mà
sau Đại nhảy vọt, trong nội bộ Đảng đừng có chủ trương chống hữu khuynh,
vẫn cứ thế cho đến bây giờ, thì bác đã không yếm thế bảy tám năm trời, thì
bác cũng kéo dài được một chút tàn hơi.
Người bác họ kể cho anh nghe câu chuyện vị nguyên lão, thượng cấp nọ
của ông, đã vào sinh ra tử hồi chiến tranh, trước khi bùng nổ Văn cách có ghé
thăm ông, bảo lính cận vệ đứng bên ngoài, đoạn nói khẽ: Trung ương có đại sự
rồi, từ nay về sau chắc khó gặp nhau. Lúc chia tay, vị ấy để lại tấm bọc chăn
lụa gấm gọi là kỉ vật ghi nhớ ngày này, vĩnh quyết...
- Cháu về nói với ba cháu, không ai cứu nổi ai đâu, hãy tự bảo trọng lấy
mình!
Đó là lời trăn trối cuối cùng của người bác họ khi tiễn anh ra khỏi cửa.
Sau đó không lâu, chẳng phải là già nua gì cho cam, chỉ cảm sốt sơ sơ, đưa
vào bệnh viện quân đội, tiêm một mũi, không ngờ chưa tới vài tiếng đồng hồ
thì ông cụ đã bị đẩy xuống nhà xác. Vị nguyên lão, thượng cấp của ông bác họ
anh, tương tự, một năm sau cũng qua đời trong quân y viện. Những tư liệu nêu
trên anh đọc được từ bài điếu văn tại lễ phục hồi danh dự cho nhà cách mạng
lão thành. Chắc chắn khi vào sinh ra tử, xông pha trận mạc họ không ngờ lại
có ngày cách mạng bắt họ phải trương mắt chờ chết, chẳng dám ngọ nguậy, và
ngay trong giờ phút lâm chung, họ cũng không hề hối hận, anh thật không thể
nào hiểu nổi.