42.
Trời mưa, lại mưa, xóm núi đã mưa là mưa rả rích, mưa liên miên không
dứt. Buổi chiều dạy xong hai tiết, anh cho học sinh tan trường sớm, chúng nó
về nhà còn có thể làm khối việc cho cha mẹ. Phòng ở của anh bây giờ nằm
cạnh văn phòng giáo viên, xây gạch, có trần gỗ, không sợ mưa dột. Anh bình
tâm, thư thái và có vẻ thích cảnh mưa rơi, lúc này không phải đội nón mang
tơi lặn lội ngoài đồng, trên nước, dưới nước, bốn bề đều nước, thật cực thân
người xa xứ, lưu lạc tìm chốn sinh nhai. Còn hôm nay khép cửa phòng, là chỉ
nghe mỗi tiếng gió, tiếng mưa, tiếng trẻ đọc bài, tuy không lấy gì làm thân
thương, vui tai cho lắm, nhưng đủ giúp anh lặng lẽ xem hoặc viết. Cuối cùng
thì anh cũng đã có một cuộc sống bình thường như mọi người bình thường
khác, chỉ thiếu mỗi đàn bà, nội nhân, gia thất. Anh sẽ không bao giờ sống
chung với phụ nữ dưới một mái nhà, bởi thà độc thân còn hơn chuốc lấy nguy
hiểm vì bị mụ ta, cô ta vạch trần chân tướng. Mỗi khi dục vọng trỗi dậy trong
người, anh phải mượn bút mực, phóng xả lên trang giấy, tự do, ảo tưởng,
muốn đàn bà con gái kiểu nào thì sẽ hiện ra kiểu đó, thỏa thuê, mãn nguyện.
- Thưa thầy, Lục bí thư cho gọi thầy - một nữ sinh đứng bên ngoài trình
bẩm. Anh giả vờ khóa cửa, không cho bất cứ ai tự tiện xông vào, có nói
chuyện với học sinh cũng sang văn phòng giáo viên bên cạnh, nhất là đối với
nữ sinh. Nhà ông hiệu trưởng ở đầu góc sân bóng rổ, đối diện với phòng anh,
lầm lũi hai mươi năm mới lên được cái ghế hiệu trưởng tiểu học, nay trong
chốc lát đổi thành trung học, rồi do Lục bí thư dàn dựng, quan tâm, chiếu cố,
phần đầu gà ngon ăn kia rơi vào miệng một kẻ ngoại lại. Nếu bắt quả tang hắn
đang tằng tịu gì với bọn học sinh con gái là có kế hạ bệ, đuổi cổ ngay, không
thương tiếc. Anh biết thế, cầu an và chẳng dám chọc tức người bản địa.
Cô nữ sinh đến gọi anh theo chỉ thị của ông Lục là Tôn Huệ Dung, phải
nói là rất xinh đẹp, cha sớm qua đời vì bệnh tật, mẹ bán rau cho quầy hàng
hợp tác trên thị trấn, đắp điếm nuôi ba đứa con, đều là gái cả, Huệ Dung lớn
nhất. Tôn Huệ Dung thường tìm kế để có thể gặp anh, nào “thầy để em giặt
giúp chỗ quần áo bẩn ấy cho”, nào “có mớ rau dền vừa hái trong vườn đem
sang để thầy nấu canh”, rồi mỗi bận anh đi ngang qua cổng nhà bốn mẹ con
họ, thế nào cũng thấy Huệ Dung chạy ra đon đả “mời thầy vào nhà em uống