Ông Lục bày rượu thịt thết đãi anh, mà sao khô đắng thế, anh phải giả bộ
nhậu nhẹt say sưa, nhưng vô cùng hối hận vì không được đứng lại nói chuyện
với nàng. Nhưng kỳ thực thì còn biết nói gì, anh và Huệ Dung như hai thế
giới, cho dù thế giới nơi anh không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm thì chỗ nàng
vĩnh viễn dưới hầm than, một đời không ngoi lên nổi. Nàng quên mất khoảng
cách tách chia giữa mình và anh, quên mất cảnh ngộ của mình, quên mất thân
phận là “con đĩ” trong con mắt người đời mà đã xem anh là thầy giáo như thuở
nào, trên tận thiên đường. Nàng không cần cầu cứu, nàng biết hoàn cảnh của
mình, nhưng vì trong chốc lát, những thơ ngây, chung tình, dục vọng, đắm say
tràn về và thốt lên hai chữ “thầy giáo”. Nỗi đau của nàng khiến anh khổ sở,
trách mình sao mềm yếu nhường kia.
Một đêm ngủ lại nhà Lục nằm sâu trong núi, nghe thông reo như bao đợt
sóng, trào dâng nỗi nhớ Huệ Dung. Anh đã chụp ảnh cho em, anh đã miết đã
sờ lên môi em, tay anh đấy cũng là đôi môi anh đó, em hát bài ca cách mạng
ca ngợi tư tưởng Mao Trạch Đông, ca ngợi người nữ anh hùng kháng Nhật -
chị A Khánh, tất cả đều theo quy định của Cục Giáo dục, nội dung không có gì
sai sót, lại được chất giọng đặc biệt mượt mà trình diễn thì còn gì bằng,... ôi
em nữ sinh bé nhỏ của thầy. Thế nhưng giờ đây thầy không hề biết em đã lấy
chồng hay chưa, em sống ra sao, hoặc như ông Lục vừa nói, một con đĩ cho cả
bầy phu mỏ hoành hành, xé xác, băm vằm, nhầy nhụa mà thuở ban đầu Triệu
bí thư lưng gù đã mở lốc thông đường. Trời ơi, Tôn Huệ Dung! Hiện nơi xứ
người xa xôi thầy vẫn giữ tấm hình của em.
Anh có dạy một học sinh xóm núi, cậu ta lên được đại học, tốt nghiệp ra
trường công tác, tình cờ gặp anh và thưa rằng, ông Lục đã qua đời. Anh hỏi vì
sao, dạ do bệnh, anh bảo, cũng nghe đồn như vậy. Nhiều năm sau, trong một
cơn ác mộng, anh mơ về sơn cước, gặp Huệ Dung và ông Lục bí thư...