Rồi ngài ngâm vần kệ thứ sáu:
Tiếng Khỉ:
6. Lòng ta nặng trĩu dục tình,
Với bao ước vọng thân mình nhiễm ô,
Bha-ta, lạp hộ bắt ta,
Ước mong phước phận lão gia tràn trề!
Bậc Ðại Sĩ bảo thả con Khỉ ra và tiếp tục nói:
- Tâu Ðại vương, có vị tiểu Thần nào giữ kho báu ở trong cung chăng?
- Thưa Tôn giả, có chứ.
- Tâu Ðại vương, vị ấy nhớ lại đời sống cũ với một nữ thần, vợ vị ấy, nên
trong lúc đau khổ vì dục vọng đã thốt lên tiếng kêu thứ bảy. Một hôm vị ấy
cùng vợ trèo lên đỉnh non cao. Hai vị lượm hoa và tô điểm cho nhau nhiều
loại hoa đủ màu sắc hương vị đặc biệt, nên không hề lưu ý rằng mặt trời
đang lặn và bóng đêm bao trùm trong khi họ leo xuống. Nữ thần bảo: "Này
chàng, trời tối rồi, chàng hãy xuống cẩn thận kẻo ngã". Và vừa nắm tay
chồng, nàng vừa đưa chồng xuống. Chính vì nhớ lại các lời nói của vợ mà vị
Thần này thốt tiếng kêu, Ðại vương không cần phải sợ chuyện ấy.
Do tri kiến của ngài, ngài vừa giải thích trường hợp này một cách chính xác
vừa ngâm vần kệ thứ bảy:
Tiếng vị Thần:
7. Bóng đêm dày đặc kéo về
Trên non cao nọ tứ bề cô đơn,
"Xin chàng đừng ngã trượt chơn",
Nàng khe khẽ nhắc bên sườn đá xưa.
Như vậy Bậc Ðại Sĩ giải thích tại sao vị Thần thốt tiếng kêu và ngài bảo thả
vị ấy ra, rồi nói tiếp:
- Tâu Ðại vương, còn âm thanh thứ tám là tiếng reo cực lạc. Một vị Ðộc
Giác Phật ở động Nandamùla biết rằng các hành (các điều kiện tái sinh) sắp
đoạn tận đốc với vị ấy, liền đến nơi cư trú của quần chúng, và suy nghĩ: "Ta
muốn chứng đắc Niết-bàn vô dư y trong ngự viên của Ba-la-nại. Quân hầu