*
Ngày xưa Bồ-tát là vương tử của xứ Gandhàra. Khi vua cha băng hà, ngài
lên ngôi vua trị nước chân chánh. Ðồng thời ở vùng Trung thổ, tại vương
quốc Videha, có vị vua mệnh danh Videha cai trị. Hai quốc vương này chưa
hề gặp nhau, nhưng lại là thân hữu và tin cậy lẫn nhau.
Thời ấy, loài người trường thọ: đời sống dài ba mươi ngàn năm. Một hôm,
vào ngày trai giới trăng tròn, vua Gandhàra đã phát nguyện giữ giới và ngự
trên bảo tọa giữa ngai vàng dành cho ngài, nhìn ra một cửa sổ rộng mở ở góc
hướng Ðông, ngài ngồi thuyết giảng cho quần thần về bản chất giáo lý. Lúc
ấy, thần Ràhu (La-hầu: Vua các Thần A-tu-la) đã che hết mặt trăng tròn đầy
đang tỏa sáng cả bầu trời. Ánh trăng biến mất. Triều thần không thấy ánh
trăng, liền tâu vua rằng thần Ràhu đã chụp lấy mặt trăng.
Vua quan sát mặt trăng, nghĩ thầm "Mặt trăng đã mất ánh sáng vì bị một
biến động bên ngoài làm hỏng. Nay triều thần chính là mối phiền lụy của ta.
Ta không nên để mất ánh sáng như mặt trăng bị thần Ràhu chụp lấy. Ta
muốn rời quốc độ như mặt trăng chiếu trên bầu trời trong sáng và trở thành
ẩn sĩ. Tại sao ta lại giáo giới người khác? Ta muốn ra đi, từ giã thân quyến,
thần dân và giáo giới bản thân ta mà thôi: điều ấy mới thích hợp với ta". Vì
vậy ngài phán:
- Các khanh cứ làm gì tùy ý.
Rồi ngài trao quốc độ cho triều thần. Khi ngài đã từ bỏ vương quốc ở hai xứ
Kashmir và Gandhàra, ngài sống đời tu hành. Khi chứng đắc các Thắng trí,
ngài an cư mùa mưa ở vùng Tuyết Sơn, chuyên tâm vào sự an lạc của Thiền
định.
Khi hỏi thăm các thương nhân, vua Videha bảo:
- Hiền hữu của ta có được khang an chăng?
Và được tin ngài đã ra đi đời sống tu hành, vua suy nghĩ: "Hiền hữu ta đã
xuất gia tu tập, ta còn phải làm gì với quốc độ này?"
Vì thế ngài thoái vị ở kinh thành Mithilà dài bảy dặm, và vương quốc
Videha rộng ba trăm dặm gồm mười sáu ngàn làng với các cửa hiệu đầy
hàng hóa, mười sáu ngàn nữ vũ công, rồi cũng không nghĩ đến các hoàng tử
và công chúa, vua lên vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành. Tại đó ngài chỉ