Trung Bộ Kinh – Tập 3
19
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một người không để cho
tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không
từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy chi phối. Vị
ấy biết như sau: "Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên
nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta
không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên
nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục".
Khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do tinh
cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có tham dục.
Do vậy, ở đây, vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ.
Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong
khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy
tu tập xả. Trong khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau
khổ ấy, do tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có
tham dục. Như vậy, sự đau khổ đối với vị ấy được diệt tận.
Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi
tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Như vậy, sự đau khổ đối
với vị ấy được diệt tận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh
tấn có kết quả, sự tinh cần có kết quả.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo lại suy nghĩ như
sau: "Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện
pháp giảm thiểu. Nhưng khi ta tinh cần dùng đau khổ chống
với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng
trưởng. Vậy ta hãy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã".
Vị ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Do tinh cần
dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm
thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vị ấy sau một thời gian,
không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Vì sao vậy?
Vì mục đích vị Tỷ-kheo ấy tinh cần dùng đau khổ chống với
tự ngã đã thành tựu. Do vậy, sau một thời gian vị ấy không
tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã.