88
Chương I: Tương Ưng Uẩn
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, trong rừng Ðại Lâm, tại
Trùng Các đại giảng đường.
2) Rồi Mahàli, người Licchavi, đi đến Thế Tôn, sau khi
đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Mahàli, người Licchavi, bạch Thế Tôn:
3) -- Puràna Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp), bạch Thế
Tôn, thuyết như sau: "Không nhân, không duyên là sự nhiễm
ô của chúng sanh. Không nhân, không duyên, chúng sanh bị
nhiễm ô. Không nhân, không duyên là sự thanh tịnh của
chúng sanh. Không nhân, không duyên, chúng sanh được
thanh tịnh". Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết như thế
nào?
4) -- Này Mahàli, có nhân, có duyên là sự nhiễm ô của
chúng sanh. Này Mahàli, có nhân, có duyên, chúng sanh bị
nhiễm ô. Này Mahàli, có nhân có duyên là sự thanh tịnh của
chúng sanh. Có nhân, có duyên, chúng sanh được thanh tịnh.
5) -- Nhưng bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì là
sự nhiễm ô của chúng sanh? Do có nhân gì, do có duyên gì
chúng sanh bị nhiễm ô?
6) -- Này Mahàli, nếu sắc nhứt hướng khổ, rơi trên đau
khổ, nhập cuộc với khổ, không nhập cuộc với lạc, thời chúng
sanh không tham đắm đối với sắc. Và vì rằng, này Mahàli,
sắc là lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc với lạc, không nhập cuộc
với khổ, cho nên chúng sanh tham đắm đối với sắc. Do tham
đắm nên bị triền phược, do bị triền phược nên bị nhiễm ô.
Này Mahàli, đây là nhân, đây là duyên cho sự nhiễm ô chúng
sanh. Do có nhân như vậy, do có duyên như vậy, chúng sanh
sẽ bị nhiễm ô.