314
Chương VII: Tương Ưng Tâm
-- Này Gia chủ, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm
giải thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát,
những pháp này là khác ngôn từ, hay đồng nghĩa chỉ khác
ngôn từ?
-- Bạch Thượng tọa, có pháp môn, theo pháp môn ấy,
các pháp này khác nghĩa, khác ngôn từ. Bạch Thượng tọa,
cũng có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này đồng
nghĩa, chỉ khác ngôn từ.
4) -- Nhưng, này Gia chủ, pháp môn nào, theo pháp
môn ấy, các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ?
5) -- Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo an trú, biến mãn
một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ
hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư. Như
vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy
phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với
tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không
sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu với hỷ... an trú
biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả; cũng vậy,
phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương
thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết
thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến
mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận,
không sân. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô lượng tâm giải
thoát.
6) Và bạch Thượng tọa, như thế nào là vô sở hữu tâm
giải thoát? Ở đây, Tỷ-kheo vượt lên Thức vô biên xứ một
cách hoàn toàn, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú
Vô sở hữu xứ. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô sở hữu tâm
giải thoát.