126
Chương II: Tương Ưng Giác Chi
tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì
rằng, tâm dao động thật dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp
này.
20) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người muốn dập tắt
một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ ướt, ném vào
phân bò ướt, ném vào củi ướt, để giữa gió và mưa, và rắc bụi
lên trên. Người ấy có thể dập tắt ngọn lửa lớn ấy không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động,
trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là
tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì
rằng, tâm dao động, thật dễ được tịnh chỉ nhờ các pháp này.
21) Nhưng đối với niệm, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng
lợi ích trong mọi trường hợp.
54.IV. Từ (Tạp 27,32, Ðại 2, 197b) (S.v,115)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại
thị trấn của dân Koliya tên là Haliddavasana.
2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y cầm
y, bát đi vào Haliddavasana để khất thực.
3) Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ : "Thật là quá sớm để đi
vào Haliddavasana khất thực. Vậy, chúng ta hãy đi đến khu
vườn của các du sĩ ngoại đạo".
4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại
đạo; sau khi đến nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những
lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón
hỏi thăm thân hữu, họ liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ
ngoại đạo ấy nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên: