LỜI NÓI ĐẦU
•
xvii
xây dựng một xã hội an bình và hạnh phúc. Độ sanh qua
chuyển hóa tâm thức chúng sanh là phương pháp đề cao giáo lý
nghiệp và tinh thần tự lực của từng chúng sanh trong ba cõi. Chỉ
có con đường tự chuyển hóa tâm thức chính mình, qua sự hướng
đạo của Tam bảo, hành vi và lời nói của chúng ta sẽ trở nên thiện.
Đây là con đường cứu độ bản thân và tha nhân có hiệu quả nhất.
Mọi hình thức trông chờ vào tha lực của người khác chỉ là
phản ánh của một nhận thức sai lầm về lý nhân quả “ai làm lấy
chịu, ai tu nấy chứng” của đức Phật và tệ hơn nữa là một sự
đổ vỡ của đời sống hướng thượng của bản thân. Khuyến khích
các hình thức tôn kính và cúng dường Tam bảo một mặt gắn
liền sự sinh hoạt của người con Phật với đạo pháp, mặt khác
phản ánh thái độ tôn kính chân lý và đạo đức của người con đã
dày công tu tập, quảng bá chánh pháp vì lợi ích của số đông,
vì lợi ích cho chư thiên và loài người.
Với một thông điệp gồm ba nội dung như vậy, kinh Vu-lan
Báo Hiếu và lễ hội báo hiếu đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống
mãi trong đạo đức chữ hiếu và đạo lý làm người, của tất cả
con người trên hành tinh này cho dù, nguồn gốc của nó còn
trong vòng tranh luận. Nói cách khác, các giá trị đóng góp của
kinh Vu-lan Báo Hiếu và lễ hội Vu-lan cho đạo đức cuộc sống
của nhân sinh đã lấn át hoàn toàn các nghiên cứu có tính cách
lịch sử nhưng lại không phục vụ được gì cho cuộc sống đầy
đau khổ và thương tâm của con người hôm qua, hôm nay và
mai sau. Trong bối cảnh đó, kinh Vu-lan Báo Hiếu đã nghiễm
nhiên chói sáng mãi như vị cứu tinh cho đời sống đạo đức, cho
đạo lý hiếu thảo, cho tình người hôm nay và mai sau.
Mùa Vu-lan tại Ấn Độ 2000
Thích Nhật Từ
cẩn chí