Chương 5: Sức Mạnh Của Vốn Liếng Sự Nghiệp
Trong chương này, tôi sẽ chứng minh tư duy thợ lành nghề bằng cách lập
luận rằng đặc điểm của một công việc tuyệt đối là rất hiếm có và quý giá,
chính vì thế nếu bạn muốn có một công việc tuyệt vời, bạn cần phải xây
dựng những kỹ năng hiếm có và quý giá – tôi gọi là vốn liếng sự nghiệp.
KINH TẾ HỌC VỀ NHỮNG CÔNG VIỆC TUYỆT VỜI
Ở chương trước, tôi đã đưa ra một đề xuất táo bạo: Nếu bạn muốn yêu công
việc mình làm, hãy từ bỏ tư duy niềm đam mê đi (“thế giới này có thể cho
tôi cái gì?”). Thay vào đó hãy tiếp nhận tư duy thợ lành nghề (“tôi có thể
cho thế giới này cái gì?”).
Lập luận của tôi về đề xuất này bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: Điều gì
tạo nên một công việc tuyệt vời? Để tìm hiểu câu hỏi này, chúng ta cần đi
vào chi tiết hơn. Trong Quy tắc #1, tôi đã cung cấp rất nhiều ví dụ về những
người làm những công việc tuyệt vời và yêu thích công việc họ làm - vậy
nên chúng ta có thể bắt đầu từ đó. Trong số đó, tôi đã giới thiệu Steve Jobs -
nhà sáng lập của Apple, người dẫn chương trình ra-đi-ô Ira Glass, và bậc
thầy sản xuất ván lướt Al Merrick. Với ba ví dụ này, bây giờ tôi có thể tìm
hiểu cụ thể điều gì khiến cho sự nghiệp của họ trở nên hấp dẫn đến vậy? Sau
đây là câu trả lời mà tôi có được:
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM XÁC ĐỊNH MỘT CÔNG VIỆC TUYỆT VỜI
Sự sáng tạo: Ví dụ đối với Ira Glass, đó là vượt qua những giới hạn của phát
thanh vô tuyến (ra-đi-ô), và mang về hàng loạt giải thưởng trong quá trình
đó.
Sức ảnh hưởng: Từ Apple II cho đến iPhone, Steve Jobs đã thay đổi cách
chúng ta sống trong thời đại kỹ thuật số này.