CON HƯ TẠI… HÀNG XÓM?
CÂU HỎI:
Cả tôi và ông xã đều là người đường hoàng, không phải quá mô
phạm nhưng cũng biết sống thế nào là văn hóa, chừng mực. Vậy mà con
cái thì… ôi thôi, toàn học thói hư tật xấu của hàng xóm rồi về nhà làm
giặc! Tôi phải làm sao đây, chả lẽ cấm con chơi với hàng xóm?
- Vũ Hoàng T. (Hóc Môn, TP. HCM)
TRẢ LỜI:
Người xưa thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, bởi vậy
chuyện con cái hư do ảnh hưởng từ hàng xóm là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên,
trong chuyện này, vai trò và trách nhiệm của người làm cha làm mẹ cũng rất
quan trọng. Cha mẹ đã không làm tròn trách nhiệm uốn nắn con, giúp con
“gần mực không đen, gần bùn không hôi tanh mùi bùn” nên con mới dễ
nhiễm cái xấu.
Hàng xóm có thể tác động đến con trẻ theo hai hướng, hoặc tích cực hoặc
tiêu cực. Về phía tiêu cực, có thể vì hàng xóm quá thích con nít, đâm ra vô
tình chiều chuộng trẻ mỗi khi chúng qua nhà chơi, cho ăn thứ này thứ kia, nên
dần dần trẻ sẽ quen. Ngược lại, hàng xóm mà “nanh nọc” quá, suốt ngày chửi
thề, nói tục thì khi sống trong môi trường đó, ít nhiều gì trẻ cũng sẽ bị ảnh
hưởng.
Vui chơi, giao tiếp với hàng xóm, trong đó có bạn bè cùng trang lứa và cả
những người lớn tuổi sẽ giúp trẻ tăng vốn sống, biết cởi mở, hòa đồng hơn.
Tuy nhiên, cuộc sống vốn muôn màu, vậy nên việc trẻ có thể bị ảnh hưởng
xấu là chuyện khó tránh khỏi. Quan trọng là cha mẹ cần phải biết khéo léo
uốn nắn con, chứ không thể khư khư giữ mãi con trong nhà.
Vậy thì, làm thế nào giúp trẻ có khả năng tự chủ để miễn nhiễm trước
những thói hư tật xấu dù vô tình nhiễm phải từ hàng xóm?
Cha mẹ cần tạo một nếp sống lành mạnh trong gia đình, khi tạo được rồi
thì phải luôn nhắc nhở con về những giá trị căn bản ấy, giúp con hình thành
nhận thức đúng đắn, có khả năng lựa chọn hành vi đúng qua từng sự việc cụ
thể. Để con phát triển lành mạnh, nên người, không lệch lạc trong quan hệ với
hàng xóm, ứng với mỗi trường hợp cụ thể, cha mẹ cần có những phương thức
tiếp cận con phù hợp.
Chẳng hạn, cha mẹ có thể trực tiếp trò chuyện với con về những trận cãi
vã của hàng xóm, thử hỏi con cảm thấy thế nào về những tiếng chửi thề, la
mắng lớn như vậy? Con nghe có sợ, có buồn không? Để trẻ tự nói lên suy
nghĩ của mình, rồi cha mẹ khéo léo giúp con hiểu những hành động đó là xấu,
không nên làm theo.
115