Khuyên con tuyệt giao với hàng xóm?
Nếu có hàng xóm chưa tốt, cha mẹ không nên áp đặt một chiều cấm đoán
con không chơi với họ. Thay vì vậy, chỉ cần phân tích đúng sai theo cách
dễ hiểu nhất, để trẻ tự nhận ra và quyết định lựa chọn có nên tiếp tục
“chơi” với hàng xóm đó nữa hay không. Tất nhiên, cha mẹ cần chia sẻ
thêm ý kiến của mình để con hiểu. Việc cấm đoán sẽ gây ra ác cảm ở con
đối với hàng xóm, từ đó có thể dẫn đến biểu hiện coi thường hay khinh
ghét lẫn nhau giữa hai gia đình, ít nhiều ảnh hưởng đến nhân cách của
con. Để con có mối giao tiếp lành mạnh, cha mẹ nên khuyến khích con
chơi với hàng xóm tốt, bạn tốt nhiều hơn.
Về trường hợp con lỡ “hư” theo hàng xóm vì được hàng xóm quá cưng
chiều, cha mẹ cần tránh đổ thêm dầu vào lửa, không nên vì nể tình mà mặc kệ
hàng xóm muốn chiều chuộng hay cho con mình ăn cái gì cũng được. Có
nhiều vợ chồng trẻ rất hạn chế cho con ăn đồ ngọt, tuy nhiên thấy hàng xóm
vì thương con nít nên cứ cho ăn, riết thành quen nhưng họ không dám nói, sợ
mất lòng.
Cho con sức “đề kháng” tốt
Rất nhiều cặp vợ chồng khi thấy con bị ảnh hưởng bởi hàng xóm đã vội
vàng thiết quân luật, cấm con không được sang nhà hàng xóm chơi, không
cho con “giao du” với trẻ em hàng xóm, coi khinh hàng xóm trước mặt con
hoặc thậm chí chửi bới, trách móc hàng xóm vì đã khiến con mình hư đốn.
Tất cả những việc làm đó đều là không nên. Điều cha mẹ nên làm là xây dựng
cho trẻ sức đề kháng tốt trước những cái xấu, từ đó trẻ sẽ dần biết tự chủ và
độc lập hơn trong cuộc sống.
Sợ con giao du, tiếp xúc với hàng xóm xấu mà ngăn cấm, cản trở con thì
không phải cách hay. Trẻ luôn rất cần có kỹ năng phân biệt tốt-xấu và chọn
lựa cho mình những quyết định đúng. Cha mẹ cần nắm bắt những quan hệ bạn
bè của con, dù là bạn bè hàng xóm, thường xuyên trò chuyện cùng con, lắng
nghe con và hỗ trợ giáo dục đúng lúc, giúp con có bản lĩnh phân biệt đúng-
sai, có kỹ năng từ chối những hành vi xấu từ bạn bè. Cha mẹ còn phải là
người bạn gần gũi với con. Khi nghe thấy con bị ảnh hưởng tiêu cực từ hàng
xóm, cần bình tĩnh nhắc nhở. Nếu cứ la mắng, quở trách to tiếng, trẻ sẽ càng
không hiểu chuyện mà còn tỏ ra phòng vệ, che giấu, không lắng nghe lời chỉ
bảo của cha mẹ, thậm chí trẻ còn có thể có suy nghĩ sai lệch và gia tăng
những hành vi xấu khác sau đó.
Sống ở đâu cũng vậy, hàng xóm có thể tốt, có thể xấu, điều quan trọng là
cha mẹ cần cho con sức đề kháng tốt ngay từ bên trong bản thân của con. Sức
đề kháng đó đến từ nếp nhà, đến từ thái độ và việc làm hàng ngày của chính
cha mẹ. Cha mẹ phải trở thành tấm gương tốt cho con, bởi lúc nào cũng vậy,
con cái bị ảnh hưởng cha mẹ nhiều hơn là… hàng xóm!
- Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
116