Thứ ba, Park và ban cố vấn của ông cũng tiếp tục học hỏi từ con
đường phát triển kinh tế của Nhật Bản trong giai đoạn sau chiến tranh.
Yi Dong-won, người từng là Trưởng ban cố vấn (1962-1964) và Ngoại
trưởng (1964-1966) cho Park, đã viết lại trong hồi ký về sự ngưỡng
mộ Park dành cho mô hình của Nhật Bản:
Yi: Thưa Ngài, xin đừng quá lo lắng! Sẽ có cách giải quyết. Hãy nhìn nước Anh!
Cũng như chúng ta, quy mô địa lý của nước này nhỏ còn tài nguyên thiên nhiên
thì nghèo nàn. Nhưng họ đã thống trị cả thế giới...
Park: Tại sao mình lại phải học hỏi từ một đất nước xa xôi như nước Anh?
Chúng ta có thể học được rất nhiều từ Nhật Bản, nước này gần gũi với chúng ta
hơn.
Yi Dong-won mô tả Park là một người “chú tâm học hỏi từ Nhật
Bản. Ông thường xuyên cắt lưu lại các bài báo từ những tờ báo của
Nhật và đọc Lịch sử Kinh tế Nhật Bản đến tận nửa đêm. Một phần lớn
trong chính sách hiện đại hóa của Park bắt nguồn từ việc sao chép
Nhật Bản. Ông luôn so sánh tình hình kinh tế của Hàn Quốc với của
Nhật Bản, thậm chí là trong suốt những năm 1970.” Xác định Nhật
Bản là một nguồn quý giá để học hỏi và bắt chước cũng đồng nghĩa
rằng Nhật sẽ là mục tiêu để đuổi kịp và thậm chí là vượt qua. Lòng tôn
kính các thành tựu của Nhật Bản cũng tồn tại song song với thái độ
thiếu tin tưởng và thù địch của Park đối với nước Nhật. Tuy nhiên, hai
điều này không hề mâu thuẫn nhau. Chúng chỉ là hai mặt khác nhau
của một đồng xu.
Kế hoạch công nghiệp hóa ngành công nghiệp nặng và hóa chất của
Hàn Quốc là ví dụ điển hình cho ảnh hưởng của Nhật lên suy nghĩ của
Park. Kế hoạch này lần theo căn nguyên biến đổi của Nhật Bản thành
một cường quốc kinh tế là nhờ vào Kế hoạch Kinh tế Dài hạn Trọng
tâm HCI được ban hành vào năm 1957. Chiến lược này được đánh giá
là đã tạo điều kiện cho Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu lên mức 10 tỉ
đô-la Mỹ chỉ trong vòng 10 năm bằng cách khai phá các lĩnh vực phát
triển công nghiệp mới. Kinh nghiệm của Nhật Bản đã trở thành bản