cung là trở ngại lớn hơn lượng cầu, và cầu có thể được tạo ra từ nước
ngoài nếu năng lực sản xuất được mở rộng đến mức độ kinh tế theo
quy mô. Theo ông, giảm quy mô các dự án HCI để phù hợp với mức
cầu nội địa của Hàn Quốc sẽ làm cho các dự án trở thành một đề xuất
thất bại và khiến Hàn Quốc mất đi cơ hội gia nhập vào nhóm các xã
hội công nghiệp. Lựa chọn duy nhất, như ông ta nhận định, là phải mở
rộng các dự án HCI đến quy mô cạnh tranh toàn cầu để thúc đẩy xuất
khẩu, với các khoản nợ nước ngoài được nhà nước bảo lãnh và các
khoản vay ngân hàng được nhà nước trợ cấp.
Ý tưởng HCI định hướng xuất khẩu ngay lập tức nhận được sự chú
ý của Park. Là một người lính hơn là một chính trị gia và cũng là một
người mơ mộng với cái nhìn thực tế, rất giống các đầu sỏ chính trị thời
Nhật Bản Minh Trị, Park xem sắt và thép là những biểu tượng của sức
mạnh quốc gia kể từ khi ông nắm quyền vào năm 1961. Sau khi chế
độ yushin được ban hành, HCI được nâng lên hơn cả một ưu tiên cá
nhân; nó tạo cho Park cơ hội giải quyết các cuộc khủng hoảng kép về
an ninh quân sự và tính chính danh chế độ, cũng như giải cứu các
chaebol khỏi việc trượt vào một cuộc suy thoái sâu giữa cuộc khủng
hoảng dầu mỏ. Vào tháng 1 năm 1973, Park công bố mục tiêu đầy ấn
tượng đạt được mức gia tăng xuất khẩu hơn sáu lần và mức tăng
trưởng GNP hơn ba lần vào năm 1981. Ban đầu, EPB và MoF phản
ứng với sự ngờ vực về ý tưởng của Oh Won-chul trong việc đầu tư 9
tỷ đô-la Mỹ vào sáu ngành công nghiệp nặng và hóa chất chiến lược
vào năm 1981 để thực hiện được lời hứa siêu tăng trưởng của Park. Do
Hàn Quốc đang ở vào giữa cuộc khủng hoảng dầu mỏ vốn đã làm chấn
động đến tận gốc rễ của nền kinh tế, nên EPB và MoF lúc đó đang tiến
hành thắt chặt tiền tệ quyết liệt để điều chỉnh cho khớp với thực trạng
sau cú sốc dầu. Kế hoạch của Oh Won-chul dường như đối nghịch với
tất cả những gì hai bộ kia đang làm.
Park để cho EPB và MoF bình ổn nền kinh tế Hàn Quốc đang bị
lung lay dữ dội bằng cách ban hành Biện pháp Khẩn cấp của Tổng