Ngay tối hôm ấy, chị Tống cùng Tuý Nguyệt sang dinh ông Chưởng.
Ông Chưởng tiếp chị ở nhà trong. Chị đặt lễ vật lên bàn và quỳ lạy trước
chỗ ông ngồi một cách cực kỳ khiêm cung. Rồi vẫn bản cũ, chị thưa trình
thân phận góa bụa, cô đơn, đau khổ vì bị hiểu lầm, vì bị người đời khinh thị.
Chị không mong gì hơn là được ông Chưởng tha thứ những sai lầm của chị,
thông cảm tình cảnh của chị. Chị đến đây là để chào ông lần cuối và nguyện
sẽ cắt tóc đi tu, vui với cảnh chuông sớm, khánh chiều dưới chân Phật Tổ,
quên hết trần duyên.
Ông Chưởng rất xúc động. Có lẽ lời chị rất chân thành, giọng nỉ non
thánh thót đi sâu vào tình cảm người võ biền chỉ quen hò hét ra uy, có lẽ
nhan sắc cực kỳ diễm lệ của chị mà tiếng đồn từ mười mấy năm nay, xem
thật không ngoa đã làm ông mê mệt ngay cái nhìn thứ nhất. Có lẽ chỉ quen
những người đàn bà chỉ biết chuyện làm tình đơn giản như những con vật
sống bằng bản năng, nay được đối mặt một giai nhân có lời ăn, tiếng nói tao
nhã, học thức, vượt lên trên cả ước vọng của ông nên ông không còn tự chủ
nữa.
Ông đến đỡ cánh tay chị dìu dậy. Rồi chẳng nghĩ gì trước mặt Tuý
Nguyệt và lũ con hầu bao quanh, ông bế sốc chị lên, hun chầm chập và
ngây ngất nói:
- Sai quá, sai quá! Tại sao ta gặp ả trễ đến thế này? Sai quá! Sai quá!
Ta đã để phí phạm bao nhiêu năm tháng.
Chị thưa:
- Tại thanh gươm quan lớn sắc quá. Đâu có ai dám động tới oai hùm,
biết bao lần muốn tới hầu quan lớn mà có dám đâu!
- Đâu! Ta có phải là tên võ tướng độc ác thế đâu. Ta bề ngoài là dũng
phu, nhưng trong lòng lại là kẻ độ lượng, biết thương yêu... Ả ở lại đây với
ta. Ả sẽ thấy thực sự ta là con người thế nào. Trễ quá! Chúng ta gặp nhau
trễ quá. Thôi mời mỹ nhân sang phòng bên kia dự tiệc để mừng cuộc hạnh