được. Giọng lão thều thào như anh Ngạn kể chuyện ma, thi thoảng
dừng lại phân tích, chỉ ra cái hay cái đẹp trong đoạn vừa đọc.
Tôi hay trêu, “Thằng làm thơ đã điên rồi, con nào được tặng mà
thích thơ này còn thần kinh hơn nữa!”. Lão chửi “Thằng Huy nhé,
loại mày trình đâu mà cảm nhận được nghệ thuật”. Tôi nhe răng cười
rồi kệ cho lão lảm nhảm tiếp. Có hôm đói bụng không ngủ được, lão
đọc đến 3 giờ sáng.
Một bữa lão rủ ra quán bà Hằng ăn cháo lòng, uống rượu (chắc
vừa xin được ai ít tiền). Húp gần hết bát cháo, lão ngước lên lảm
nhảm “Hạnh phúc theo mày là gì hả Huy?”. Hở, đang ăn tự nhiên hỏi
câu chả liên quan gì, nhưng biết tính lão, tôi ậm ờ, “Biết đâu được,
cả đời chưa thấy mặt nó bao giờ”.
Ấy là nể hôm nay lão mời ăn, bình thường sẽ chửi cho câu vì tội
hỏi ngu. Khoa điên gắp miếng vèo lợn lên, bảo, “Hạnh phúc với tao
đơn giản lắm. Đôi khi chỉ là buổi tối như tối mùa đông rét mướt
này, ngồi đây ăn bát cháo và trừ lại miếng vèo cuối cùng dưới đáy
bát, rồi ăn từ từ, nhai chầm chậm để cảm nhận vị ngon ngọt của
miếng vèo lợn”. Móa, tôi buông đũa cười lăn lộn. Lão hỏi sao cười?
Không đúng à? Tôi bảo, “Đúng là chân lý của một thằng đói ăn kinh
niên, hehe”.
Trong lớp lão ưng nhất em Hiền. Hiền lùn nhưng to béo, đùi
to như cái xô, nhưng lão ưng lắm, bảo “Nhìn đầy sức sống”.
Hôm khoa tôi đá giải trường, buổi trưa lão kéo đi ăn quán (lão là
lớp trưởng), chiều đá bóng, vừa ghi được bàn thắng, lão cầm mấy
bông hồng héo rũ chạy tung tăng giữa sân hét lên như thằng điên
“Chúng mày ăn cơm tao mời, uống nước tao trả… mà éo thắng
được thì chúng mày làm cháu con Hiền béo nhé!”. Trọng tài (là giáo
viên dạy thể dục) phải chạy lại đuổi mãi lão mới ra.