Mụ Cà
Năm 1975 hòa bình lập lại,
nhà mình cũng rời làng Đông về Ba
Đồn, từ đó mình ra Hà Nội học đại học rồi đi bộ đội, mãi đến năm
1986 mới quay về làng Đông, thăm lại ngôi nhà xưa. Bây giờ nó đã là
khu vườn hoang, cỏ dại cây dại mọc um tùm, là chỗ đi xia của dân
trong xóm. Ngày cũng như đêm hễ đau bụng là người ta xách quần
chạy ra đấy. Thời này người ta đi ngoài không dùng giấy vệ sinh, chỉ
bẻ que chùi, que không có thì chà đít xuống cỏ, cỏ không có thì chà
đít lên đất cày cũng xong. Hi hi nhớ lại mà kinh.
Suốt buổi chiều mình đứng trong khu vườn xưa, mỏi chân lắm
nhưng không dám ngồi vì biết bãi cỏ chẳng sạch sẽ gì. Mình đi về cái
giếng đào nhà mình, nơi có mấy hòn đá cực to, tính ngồi nghỉ một
chút. Cái giếng xưa như cái ao nhỏ sâu mét rưỡi có mạch nước trong
vắt, mùa nào nước cũng đầy ắp, nay chả ai dùng cây dứa dại phủ kín
bao quanh. Mình vừa tới giếng chợt thấy một bà chừng hơn năm chục
tuổi đang tùm hum thò tay xuống giếng vốc nước uống. Lúc đầu
mình không biết đó là ai, sau bà vốc nước rửa mặt, cái mặt đen nhẻm
đầy bùn đất dần biến mất, mình nhận ra ngay mụ Cà.
Chuyện mụ Cà bỏ làng Đông ra xóm Bàu, tức xóm gái hoang, có
lần mình đã kể.
Mụ Cà lấy chồng lúc 16 tuổi nhưng mãi không có con, chồng mụ
chán đời uống rượu say té xuống ao, chết. Khi đó vào năm 1953 mụ
Cà mới 21 tuổi, tham gia đội du kích rất tích cực. Đội trưởng du
kích khi đó là cu Miễn, rất khen ngợi mụ, họp đội du kích nói đồng
chí Cà nợ nước thù nhà, chiến đấu rất hăng say. Mụ Cà giơ tay đứng
lên, nói bá cáo tui chỉ nợ nước thôi, không có thù nhà. Cu Miễn lắc
đầu, nói Đế quốc Pháp lừa bịp dân ta cho uống rượu say, nhiều