như vàng. (Vàng gốc không cần kết hợp với nguyên tố khác
được gọi là vàng tự sinh). Macma còn có thể len lỏi theo
các khe nứt đi lên phía trên, tạo ra các mỏ cách xa khối đá
xâm nhập chính.
Trường hợp dòng dung nham xuyên thủng được lên bề
mặt sẽ tạo nên núi lửa. Tro núi lửa phun lên cao tích tụ lại
thành loại đá túp, xốp nhẹ. Dung nham núi lửa nguội lạnh
tạo thành các khối đá bazan, thường có cấu tạo dạng cột.
Đá bazan sau này bị phong hóa thành quặng bauxit. Dung
nham đọng lại trong họng núi lửa tạo thành một loại đá đặc
biệt gọi là kimbeclit; những viên kim cương lấp lánh chính
là được hình thành trong các đá họng núi lửa này.
Dù cứng rắn như thế nào, trải qua năm tháng dưới
nắng nung, nước xói, đá cũng phải rã rời, vỡ ra thành hòn,
thành cuội, thành cát. Những vật liệu bở rời này trôi theo
dòng nước tích tụ lại thành các tầng, các vỉa, nhưng do
nặng nhẹ khác nhau, được sàng sê thành các vỉa quặng
dạng cát. Các mỏ vàng, mỏ thiếc, mỏ titan sa khoáng... đã
được hình thành như vậy.
Người ta gọi các mỏ trầm tích sinh ra trên bề mặt đất
như thế là mỏ ngoại sinh. Mỏ than cũng là mỏ ngoại sinh,
nhưng không phải do tích tụ của đá vụn, mà do những cánh
rừng thời xa xưa bị vùi lấp dưới nước, bị nén ép, cháy ngầm
hóa thành các vỉa than. Khi còn "non" là than bùn, than
nâu, than lửa dài; khi "già", thành than mỡ, than đá, than
antraxit...