chóp núi. Cũng có những vùng lầy lội thực sự, những thung
lũng - đồng bằng rộng rãi mà màu xanh mát của cây cối gợi
lên sự phong phú của nước trên mặt. Tất cả những quang
cảnh đó đều tồn tại trên cái mà chúng ta quen gọi là miền
núi Trường Sơn Nam".
Cốt lõi của miền núi - cao nguyên này chính là "địa
khối Kon Tum" - miền đất liền đã hình thành từ thời cổ xưa
- cùng với địa khối "Vòm Sông Chảy" và núi Con Voi ở miền
Bắc nước ta. Nó được coi như một tấm khiên cố kết bằng đá
hoa cương và đá kết tinh cổ. Trải qua hàng trăm triệu năm,
khi các vùng miền khác nổi chìm trồi sụt dưới biển, thì nơi
đây vẫn chắc chắn, có chăng chỉ bị hoạt động san bằng và
những đứt gãy cắt xẻ chia tách mà sau này các dòng dung
nham núi lửa từ đó phun trào lên bao phủ khắp bề mặt.
Tây Nguyên không phải là một cao nguyên đồng nhất
mà là các "cao nguyên xếp tầng" hợp lại. Có bốn tầng cao
nguyên chính chênh lệch nhau về độ cao. Đó là các bề mặt
cao nguyên sau:
- Cao nguyên Kon Tum - Plây Cu (hay còn gọi là Cao
nguyên Gia Lai) có độ cao khoảng 400 m ở phía Kon Tum và
cao dần lên đến 800 m ở phía Plây Cu. Cao nguyên này có
bề mặt lượn sóng nhấp nhô, song cũng có nơi rất bằng phẳng
chẳng khác gì một miền đồng bằng. Đây là một cao nguyên
"già", bị các sông có lòng hình chữ
u
đào thành thung lũng
sâu như sông Đăk Bla chảy qua thị xã Kon Tum và sông Đăk
Pô Cô đổ nước vào sông Xê Xan bên Campuchia.