Và họ uống máu ăn thề. Họ nhìn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng, lòng họ
bừng bừng, tay họ như có thể xoay trời chuyển đất. Đêm hôm ấy, đã khuya
lắm, người ta vẫn còn nghe thấy những tiếng mài gươm.
Sáng hôm sau, Hoài Văn Hầu dậy sớm, lên nhà trên từ biệt mẹ già:
– Con đi phen này đã thề sống chết với giặc. Bao giờ đất nước thanh
bình, bốn phương bể lặng trời im, con mới trở về. Xin mẹ ở nhà giữ ngọc
gìn vàng để cho con được yên lòng xông pha trận mạc.
Hoài Văn lạy mẹ. Phu nhân quyến luyến không muốn chia tay, nhưng
phu nhân không sa nước mắt. Phu nhân nói:
– Con đi vì nước, nên mẹ chẳng giữ. Mẹ chỉ có một mình con đây. Mẹ
mong con chóng ca khúc khải hoàn, mẹ con ta lại được sớm cùng nhau sum
họp.
Đây là lần thứ hai trong đời, Hoài Văn xa mẹ. Lần trước về kinh thành,
chỉ là một chuyến đi chơi. Lần này mới thật là đi xa, không biết bao giờ trở
lại. Lòng Hoài Văn bỗng thấy nao nao thương mẹ.
Nhưng chiêng trống bên ngoài đã nổi rộn ràng. Hoài Văn lạy mẹ một lần
nữa, vén mành bước ra sân khi ấy còn tối mờ mờ.
Hoài Văn Hầu mặc áo bào đỏ, vai mang cung tên, lưng đeo thanh gươm
gia truyền, ngồi trên một con ngựa trắng phau. Chàng giữ vẻ uy nghi của
một vị chỉ huy. Theo sau Hoài Văn là người tướng già, mặt sạm đen vì
sương gió, chòm râu dài trắng như cước. Tiếp sau là sáu trăm gã hào kiệt,
nón nhọn giáo dài. Đoàn quân hùng hổ ra đi trên con đường cái nhỏ, hai
bên là đồng không mông quạnh. Tiếng chiêng tiếng trống rập rình.
Đoàn quân đã đi xa. Bà con ra tiễn vẫn còn trông thấy lá cờ đỏ đề sáu
chữ vàng mở đường đi trước. Lá cờ căng lên vì ngược gió.