LÁ CỜ THÊU 6 CHỮ VÀNG - Trang 4

Sài Thung lạy Hoài Văn như tế sao. Hoài Văn đóng cũi giải nó về kinh.

Thấy nó khóc lóc, Hoài Văn ôm bụng cười sặc sặc. Giữa lúc ấy thì chàng
bừng tỉnh giấc. Chàng không thấy Sài Thung đâu cả, chỉ thấy mình vẫn
nằm trong điện Lan Đình.

Trần Quốc Toản giụi mắt, gạt tung cái chăn bông bọc vóc vàng và ngồi

nhỏm dậy. Nội điện im ắng lạ thường. Quan gia và các vương hầu đâu cả?
Mẩu nến đỏ trên cây nến đồng đặt trên một cái đôn men xanh kê ở gian
giữa, còn cháy leo lét run rẩy trong ánh sáng buổi sớm đã tràn vào. Màn the
lớn căng từ tường hoa ra tới gần cửa, nơi kê cái sập của Hoài Văn Hầu, vẫn
còn rủ xuống. Gian bên kia, màn the cũng buông kín. Nhưng các chăn vóc
thì đều lật tung, để lộ những nệm gấm giải sát vào nhau trên những sập
rồng kê liền lại. Những cột rồng, những câu đối, hoành phi, những bức cửa
võng lấp lánh son vàng. Hoài Văn như còn nghe văng vẳng tiếng nói
chuyện của quan gia và các vương hầu, kéo dài mãi đến quá canh hai chưa
dứt.

Ơn cửu trùng mênh mông như trời biển. Từ ngày Hoài Văn theo chú là

Chiêu Thành Vương về kinh, hai chú cháu được quan gia giữ lại trong cung
cấm. Hầu được cùng ăn uống với quan gia và các vị vương hầu. Tối thì trải
gối dài, chăn rộng, kê giường nằm chung, thật là bốn bể một nhà, không
phân trên dưới. Ơn ấy, dù cho óc gan lầy đất, Hoài Văn phải nghĩ mà báo
đáp. Khốn nỗi, chàng cứ bị coi là đứa trẻ con chưa ráo máu đầu. Mỗi khi
Hoài Văn len vào góp chuyện thì các vương hầu nói:

– Cháu còn nhỏ, chưa biết được việc quân quốc trọng sự.

Nể các vị chú bác, Hoài Văn đỏ mặt làm thinh. Một hôm, Quốc Toản

đánh liều thưa:

– Cháu còn ít tuổi thật. Nhưng ví bằng quân Nguyên sang cướp nước ta,

thì cháu cũng xin theo các chú, các bác đi đánh giặc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.