xoan da còn mịn tựa trái đào, cặp mắt sáng lung linh sáng quắc. Vị nữ
khách đó vận bào ngắn màu thiên thanh trùm quá gối, để lộ ra cặp vỏ hài
nhỏ nhắn đen huyền. Cả hai cùng đeo tréo trường kiếm sau lưng.
Một cô bé, trạc tuổi Tử Long, tóc kết trái đào, khuôn mặt lanh lợi hao
hao giống vị nữ khách như mẹ với con, đứng kế bên.
Triệu thị xuống thềm, tiến tới cung kính vái dài :
- Nhị vị đại sư, thiếp không được biết trước ra đón tiếp, dám mong người
đại xá cho.
Đáp lễ xong, vị đại sư cất tiếng sang sảng :
- Thái thái không biết chúng tôi, nhưng lệnh phu quân vốn đồng môn
phái nên có thể gọi là thân tình. Chuyến này vân du Thanh Hải trở về qua
khu Tần Lĩnh, nhờ hai con nghiệt súc dẫn đường tới đây, chẳng dè lúc nhà
ta hữu sự.
Triệu thị rưng rưng hạt lệ phục xuống lạy :
- Nhị vị đại sư đến vừa đúng lúc, nếu không thì phu quân thiếp vừa qua
đời và cả mẹ con thiếp cũng phải vong mạng theo, mối tử thù sẽ không
người báo phục.
Vị nữ khách cúi xuống đỡ Triệu thị lên.
Giữa khi ấy, từ trên ngọn Bạch Dương cao lớn um sùm ở sân, vọng lên
mấy tiếng ré rợn tai và tiếng cánh đập mạnh nổi gió ào ào khiến lá xanh
rụng lả tả.
Mọi người trong trại giựt mình ngước đầu nhìn lên thấy hai con chim
điêu to lớn dị thường từ đỉnh cây bạch dương bay vụt ra lượn quanh khu
trại, định bay về phía Tây bắc.
Đại sư ngó thấy kịp, huýt gió vang mấy tiếng.
Như biểu hiệu lệnh, kim điêu vội sà xuống đậu lên đỉnh ngọn bạch
dương như cũ.
Đại sư mắng lớn :
- Nghiệt súc ở đó, không được đi đâu!
Nữ khách nói với đại sư :
- Chúng đói đó. Hình như ở phía Tây bắc có mồi.
Triệu thị vội hỏi :