Cùng lúc ấy, Miêu Thúy Hoa mới nhận ra Hồng y nữ khách là ai, bèn
nhảy từ mui xuống quỳ lạy :
- Đại sư giáng lâm, đệ tử không nhận ra được ngay, mong người thứ lỗi.
Nữ khách vội đỡ Thúy Hoa dậy :
- A!… Thúy Hoa đấy ư? Đẫy đà khác xưa nhiều cơ hồ ta không nhận ra
được nữa. Mười mấy năm không gặp nhau rồi!…
- Dạ, mười lăm năm, thời gian lẹ tựa tên bay. Đại sư vẫn trẻ như xưa,
một nét cũng không thay đổi.
Hồng y nữ khách hỏi :
- Con đi đâu một mình thế này? Miêu lão đệ đâu?
Nghe nhắc đến cha già thân mến, Thúy Hoa rớm lệ :
- Gia phụ mất hồi đầu năm nay rồi. Lúc sanh thời thường nhắc tới Hồng
y Lã đại sư. Phần đệ tử cũng khát vọng nay mới được tái kiến tôn nhan.
Chuyện dài lắm, mời Đại sư vào trong khoang, đệ tử sẽ trình bày tự sự.
Nữ khách không phải ai xa lạ mà chính là Lã Tứ Nương, sư phụ của Thôi
Sơn Thái Bảo Cam Tử Long và Trại Nhiếp Ẩn Lã Mai Nương.
Cũng vì Lã Tứ Nương hay vận áo đỏ, nên trước kia thời Ung Chính
vương, giang hồ hành hiệp nổi danh với tước hiệu Hồng Y đại hiệp.
Hai người vào trong khoang thuyền, Lý An pha trà dâng lên. Miêu Thúy
Hoa đem chuyện gia đình nàng kể cho Lã đại sư nghe.
Nàng nói tiếp :
- Những năm về sau này có lẽ Đại sư ít xuống miền Nam?
Lã Tứ Nương gật đầu :
- Phải, ta bận luyện cho hảo đồ Cam Tử Long tức con trai Cam Trường
Mâu khi xưa đó, và điệt nữ Lã Mai Nương nên phải thay phiên với Chiêu
Dương thiền sư, không đi xa được. Thường chỉ qua lại vùng Sơn Đông,
Trực Lệ, Hà Bắc thôi.
Hai năm nay, Tử Long và Mai Nương thành tài hạ san, ta rảnh tay xuống
cõi Lĩnh Nam lên La Phủ Sơn thăm Hoàng Ẩn thiền sư, nhân tiện hái mấy
thứ y diệp cần dùng. Hoàng Ẩn hay rằng hình như vua Cao tôn (tức Càn
Long) cải trang du hành Giang Nam. Theo ý ta nhà Vua du hành tất có mục
đích phiếm du. À, nhưng con đi Hàng Châu có việc chi?