rượu, dè đâu tên thủy tặc ấy là Hoàng Khôn, người nổi tiếng hiền lành
trong huyện Ác Dương này.
Thanh niên hỏi :
- Hoàng Khôn có gia đình không? Tiên sinh chắc chắn gã là môn đồ
Thiếu Lâm tự?
- Trời ơi! Khắp vùng này người nào chẳng biết y là cao đồ của vị Thiền
sư trên Thiếu Lâm? Đồ đệ của y là Lâm Thắng còn mở nổi võ đường ở kế
bên Trạng Nguyên đình trong huyện này, danh tiếng nổi như cồn, huống hồ
họ Hoàng?… Nhưng nhắc tới gia đình y, nghĩ thêm buồn!
- Sao vậy, thưa tiên sinh?
Chủ quán suy nghĩ giây lát, đoạn thuật lại gia đình Hoàng Khôn cho hai
vị khách nghe, rồi kết luận :
- Tôi biết rõ Lâm Thắng cũng như Hoàng Khôn. Có lẽ nguyên ủy thế nào
ngoài sự hiểu biết của mọi người, chứ Lâm Thắng mà biết chuyện ấy, tôi
dám chắc y không tha bọn khốn khiếp…
Giữa lúc đó khách hàng vào quầy hỏi, chủ quán từ tạ hai người lật đật ra
tiếp khách. Hai thanh niên nam nữ cũng trả tiền lên ngựa ra đi.
Họ là nhân vật nào mà khi biết Hoàng Khôn là môn đồ Thiếu Lâm tự, lại
đặc biệt chú ý như vậy.
Thưa, họ không phải là người xa lạ. Thanh niên hảo hán chính là Thôi
Sơn Thái Bảo Cam Tử Long và vị nữ anh thư là Trại Nhiếp Ẩn Lã Mai
Nương.
Song hiệp vâng lệnh sư phụ Chiêu Dương thiền sư và Lã Tứ Nương
xuống vùng Giang Nam quan sát tình hình vụ đả Lôi đài ở Hàng Châu và
sau nữa tìm kẻ phụ thù của họ Cam.
Tới Hàng Châu, Song hiệp vào trọ ở Tam Thiên đại điếm, gọi tửu bảo
hỏi thăm lối ra cửa Thanh Ba.
Mấy tháng trước đây vốn có nhiều viễn khách đến trọ xem đả lôi đài,
người nào cũng hỏi thăm đường ra Thanh Ba môn nên tửu bảo quen miệng
hỏi Tử Long :
- Thưa, quý khách định ra cửa Thanh Ba xem đả Vô Địch đài?
- Phải!